Dòng sự kiện:

3 điều quan trọng khi nuôi dạy con, số 2 ít cha mẹ Việt làm được

Qua những phân tích và nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đã chỉ ra hai việc quan trọng bố mẹ cần làm là ít khen ngợi con nhưng cho con một giấc ngủ đầy đủ hơn.

Sinh con đã là thử thách lớn đối với mỗi ông bố bà mẹ nhưng việc nuôi dạy và giáo dục con nên người còn khó hơn gấp vạn lần. Việc này không phải chỉ diễn ra một sớm, một chiều hay chỉ vỏn vẹn trong vài câu nói răn dạy mà nó là cả một quá trình uốn nắn dài, một “cuộc chiến” thực sự đòi hỏi lòng kiên trì, sự nhiệt huyết, và niềm tin vào tương lai tốt đẹp dành cho con.

Có thể bạn đã từng nghe qua cuốn sách nuôi dạy con nổi tiếng “Nurture Shock”, ra mắt độc giả vào năm 2009, do hai tác giả Po Bronson và Ashley Merryman viết. Đó là một trong những “tác phẩm kinh điển” về các phương pháp giáo dục con cái cung cấp cho bạn cái nhìn khoa học về cách dạy con.

Trang Fatherly đã đăng tải bài viết tóm tắt những nội dụng chính trong cuốn sách của Bronson và Merryman để các phụ huynh tự rút ra cho mình bài học và áp dụng trong việc giáo dục con nên người.

1. Thay vì khen ngợi “Con rất thông minh” hãy nói “Con đã cố gắng rất nhiều”

Một số bố mẹ luôn động viên con bằng cách khen con thật thông minh. Mục đích để cải thiện sự tự tin của con, giúp con đối mặt với những thách thức về trí tuệ. Thế nhưng, họ đâu biết rằng việc khen con thông minh có thể “phản tác dụng”.

Trong cuốn sách của mình, hai tác giả Po Bronson và Ashley Merryman viết: “Nhấn mạnh vào nỗ lực của trẻ giúp con có được một lựa chọn mà chúng hoàn toàn đủ khả năng kiểm soát. Trẻ sẽ nhận ra chính bản thân mình là người kiểm soát được thành công của mình. Còn việc nhấn mạnh vào trí thông minh bẩm sinh khiến trẻ không có được sự kiểm soát đó và nó còn không đem lại lợi ích gì cho trẻ trong việc phản ứng trước thất bại”.

Nếu được khen ngợi vì những nỗ lực, trẻ sẽ nhận ra chính bản thân mình là người kiểm soát được thành công của mình (Ảnh minh họa).

Tiến sĩ Carol Dweck, làm việc tại Stanford, cũng đã chứng minh điều này bằng các nghiên cứu của mình, cô kết luận rằng: Trong những thí nghiệm mà một nhóm trẻ được khen là thông minh, nhóm còn lại thì không, những đứa trẻ không được khen ngợi luôn chấp nhận những nhiệm vụ đầy thách thức hơn, trong khi những đứa trẻ khen ngợi thì lại không hoàn thành được thử thách mà chúng vẫn cho là dễ dàng.

Vậy nên, cha mẹ thay vì nói “con rất thông minh” hãy nói “con đã cố gắng rất nhiều”. Tuy nhiên, khen ngợi quá nhiều cũng có thể trở thành vấn đề. Nếu sự kiên trì của một đứa trẻ chỉ dựa trên những phần thưởng như khen ngợi thì khi “những lời có cánh” không còn nữa, nỗ lực của trẻ cũng sẽ dừng lại. Điều tốt nhất nên làm là hãy khen ngợi con tùy nơi tùy lúc.

2. Đảm bảo rằng con được ngủ đủ giấc

Nếu giấc ngủ đối với người lớn là quan trọng thì đối với trẻ em, nó còn quan trọng hơn gấp nhiều lần.

90% các cha mẹ được hỏi ở Mỹ đều cho rằng con của họ đã ngủ đủ giấc, thế nhưng có đến 60% số trẻ vị thành niên tham gia nghiên cứu cho thấy chúng bịthiếu ngủ. Có người đổ lỗi rằng chúng quá ham mê các trò chơi điện tử và dán mắt vào màn hình điện thoại, ipad, thế nhưng có một thực tế nữa là những đứa trẻ đang phải “hy sinh giấc ngủ” để làm bài tập về nhà, tham gia hoạt động ngoại khóa…

Các nhà khoa học cho biết những vấn đề liên quan đến giấc ngủ trong những năm phát triển của con trẻ có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến cấu trúc não bộ. Nhiều nghiên cứu khẳng định, ảnh hưởng của giấc ngủ thực sự có thể đo đếm được. Cứ mỗi 1 giờ thiếu ngủ tương đương với việc bị mất đi 2 năm trưởng thành và phát triển về nhận thức.

3. Dạy con biết trung thực trong mọi hoàn cảnh

Đa số các bậc phụ huynh đều tin tưởng rằng con mình không nói dối, và nếu con có nói dối thì cha mẹ cũng sẽ phát hiện ra thôi. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Có một sự thật là, đa số trẻ em đều nói dối. Theo nghiên cứu của Weissbourd thì có 95% trẻ em nói dối cha mẹ tại một số thời điểm. Đồng thời, trong nghiên cứu của Kang Lee, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto, Mỹ cho thấy nói dối là một cột mốc quan trọng về nhận thức của trẻ. Và khi trẻ đạt đến một độ tuổi nhất định thì tự dưng trẻ sẽ nói dối.

Và điều cha mẹ cần ứng xử khi đó không phải là la hét, quát mắng hoặc dùng đòn roi, như vậy tình trạng sẽ càng trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Bởi sự trừng phạt khắc nghiệt sẽ càng làm đứa trẻ “tôi luyện” thêm kỹ năng nói dối để tránh bị trừng phạt. Hoặc cũng có những đứa trẻ nói dối để làm hài lòng bố mẹ.

Trước khi cha mẹ quyết định "trừng phạt" trẻ vì tội nói dối thì cha mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân và lắng nghe lý do tại sao trẻ lại nói dối. Hãy nói với con rằng: “Ngay cả khi con mắc lỗi mẹ cũng sẽ không buồn, mẹ sẽ rất vui nếu con nói sự thật”. Điều này sẽ khiến đứa trẻ không còn sợ hãi mà nói thật.

Ngoài ra, cha mẹ phải luôn để ý khuyến khích con có hành động trung thực, đưa ra lời khen ngợi kịp thời nếu con có thái độ trung thực và điều quan trọng nhất, cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng cho con học tập.

Nguồn: Gia đình Việt Nam