Dòng sự kiện:

Áp lực học hành: Vì ai mới lớp 1 con đã phải học bài đến 10 giờ đêm?

Theo Tuổi trẻ
14:08 19/05/2018
Bị cô giáo than phiền, tôi cảm thấy căng thẳng, bắt đầu kiếm chỗ học thêm cho con. Rồi cùng con ôn bài, dò bài đêm nào cũng hơn 10 giờ đêm, cả ngày nghỉ, lễ, tết...

Chia sẻ của một bà mẹ về chuyện học của con, cũng như tâm sự của một bà mẹ khác về tình trạng "lạm phát" học sinh giỏi, đáng để người lớn chúng ta suy ngẫm.

Ước gì được học thay cho con

Tôi có cô bạn thời đi học học rất giỏi, phải điểm tròn 10 mới vui. Con của bạn cùng học lớp con tôi. Trong khi tôi thấy thoải mái với chuyện học của con thì bạn lại luôn mệt mỏi. Bạn thường gọi điện cho tôi hỏi về việc học của con tôi, rồi than rằng mẹ con cô ấy nhiều hôm phải thức hơn 10 giờ đêm để dò bài.

Tôi bật cười, không tưởng tượng được lớp 1 học gì mà phải thức tới giờ ấy. Cô ấy căng thẳng quá mức đến độ gọi cho tôi hằng ngày, bất kể giờ giấc, chỉ để hỏi con tôi đã làm bài, soạn bài gì đó hay chưa.

Con trẻ sẽ có thêm những giờ phút hồn nhiên với tuổi thơ nếu có thêm sự chia sẻ từ cha mẹ

Rồi cô bé thứ hai của tôi vào lớp 1, khách quan mà nói thì tôi không cho con học trước nhiều như chị hai. Kết quả là cô giáo than phiền bé đọc rất chậm.

Vài lần như vậy, tôi cảm thấy căng thẳng thật sự, có hôm đi làm về muộn còn phải chạy vòng vòng tìm chỗ học thêm cho con. Nhưng vì thấy con quá tội nên thôi và tôi phải lê lết ra để ôn bài, dò bài. Mẹ con đêm nào cũng hơn 10 giờ, cả ngày nghỉ, lễ, tết vẫn làm việc vì sợ nghỉ một ngày là chữ bay mất.

Tôi tìm mọi cách bồi dưỡng cho con và khổ sở khi thấy con không nhớ bài, không tiến bộ được bao nhiêu so với công sức mẹ con bỏ ra.

Mỗi tối, trong đêm vắng vang lên tiếng quát nạt của mẹ và tiếng khóc thút thít của con, tôi stress thật sự. Từ bao giờ tôi thành bà mẹ hung dữ, luôn thấy bực tức mỗi khi ngồi vào bàn dạy con học. Cuối năm con tôi chỉ đạt loại khá, tất nhiên tôi buồn và thất vọng dù biết đó chính là kết quả đúng.

Tôi lại chợt nhớ đến cô bạn. Nếu không rơi vào tình trạng "cố gắng đến mệt mỏi mà kết quả không đáng bao nhiêu này", chắc tôi chẳng thể nào hiểu được tâm trạng bất lực của người mẹ ước gì có thể lao vào học thay con.

Một ngày con ốm, nằm thiêm thiếp, tất nhiên là không hoàn tất đúng lịch học mà tôi đưa ra hằng ngày. Nhà trống trải, yên ắng đến lạ. Chẳng có ai ngồi để tôi khảo bài, để tôi gay gắt... tôi bỗng thấy làm hết bài tập của con không còn quan trọng nữa.

Thứ tôi cần lúc này là đứa con lanh lẹ ưa nhảy nhót, miệng nói líu lo, đứa con hiếm khi được điểm 9, 10 nhưng biết nói với mẹ những điều hết sức đáng yêu.

Chuyện bi hài cuối năm học

"Dạy con không hẳn như chăm một cái cây, muốn nó xanh tốt cứ việc bón phân, nhổ cỏ, chăm chút cho nhiều vào. Chấp nhận con mình là chính nó, tôi phải làm quen và phải vui với những điều con vui, có lẽ như vậy là đã đủ".

- Nguyễn Thị Thùy Hương -

Cuối năm học, chuyện bình chọn nhóm 10 học sinh tiêu biểu là chuyện khổ sở nhất với các giáo viên tiểu học. Đa số các lớp đều rơi vào tình trạng "lạm phát" học sinh giỏi mà.

Đó là chưa nói đến áp lực từ phía các bậc phụ huynh, vì ai lại không muốn con mình được nhận phần thưởng dưới sân trường theo phương châm: "Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp".

Khi con mình không lọt vô top 10, không ít phụ huynh lập tức phản ứng bằng nhiều hình thức. Nhẹ thì hờn giận, mỉa mai; nặng thì khiếu nại, thưa kiện, thậm chí chửi bới.

Một trong những phương án được xem là "tối ưu" là cho các em tự bình bầu lẫn nhau theo phiếu kín. Và đương nhiên con cái chúng ta đều rất thông minh khi cũng biết đi "vận động" rất chuyên nghiệp. Có đủ kiểu "vận động" khác nhau như: năn nỉ, hứa hẹn, hăm dọa, đưa tiền, cho bánh kẹo, cho đồ chơi...

Đôi khi cuộc bỏ phiếu cũng gay go lắm, phải 3, 4 vòng mới đạt được mục tiêu đề ra. Cuối cùng cũng xong, chính các em bầu chọn nên ai cũng tặc lưỡi cho qua nếu có sai sót: "Ôi, chuyện con nít mà!".

"Lùa vịt" lên sân khấu ở trường: Phần thưởng chất đầy như núi hai bên sân khấu lễ tổng kết. Dù đã khống chế con số 10 học sinh tiêu biểu, nhưng cả trường thì con số này không hề nhỏ.

Vậy là phần thưởng được phát trước từ lúc nào, các con bước lên sân khấu dường như chỉ để dàn cảnh chụp hình. Lớp nào cũng vậy, giáo viên dẫn đầu, còn cô bảo mẫu đi sau khóa đuôi, đôn đốc.

Xếp hàng, bước lên, chụp hình, bước xuống. Lớp trước chưa xong, lớp sau đã tới. Ai cũng tất bật, vội vã, mệt nhoài. Nhìn khuôn mặt ngơ ngác của các con mà thương, có khác gì "bầy vịt" trắng được lùa lên sân khấu...

Nhưng không chỉ có học sinh tiêu biểu vì còn hàng tá giấy khen với đủ mọi nội dung. Danh hiệu được khen tặng thì muôn hình vạn trạng.

Nào là hoàn thành xuất sắc các nội dung rèn luyện, nội dung từng môn, học sinh toàn diện, học sinh giỏi về kiến thức và năng lực, giải toán qua mạng, có tinh thần tương thân tương ái, có tinh thần vượt khó, dũng sĩ kế hoạch nhỏ... Và đương nhiên những phong trào nuôi heo đất, thu gom giấy vụn cũng có giấy khen.

Một cán bộ quản lý giáo dục từng lý giải về vấn đề này: "Tâm lý phụ huynh vẫn thích phải có giấy khen cuối năm cho con để còn có chứng cứ khoe con học giỏi, nộp cho cơ quan để lấy phần thưởng...

Đó là một trong số các nguyên nhân vì sao các trường tiểu học có tới hàng nghìn giấy khen, trong khi chỉ nên tập trung khen những cá nhân thực sự xuất sắc, nỗ lực".

"Các con đạt thành tích tốt trong học tập là điều rất đáng trân trọng và khích lệ. Tuy nhiên, các con rất cần biết tự phục vụ bản thân, san sẻ công việc gia đình đến hành vi ứng xử nơi công cộng, giúp đỡ người khác..."

Chung Thanh Huy -

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG