Dòng sự kiện:

Bà chủ đế chế màn hình điện thoại tỷ đô bỏ học từ năm 16 tuổi

07:37 27/03/2018
Sinh ra trong nghèo khó nhưng niềm đam mê kinh doanh đã đưa Chu Quần Phi trở thành một trong những nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới.

Bảng danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes mới đây một lần nữa vinh danh Zhou Qunfei (Chu Quần Phi), nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc. Năm nay 47 tuổi, đồng sáng lập và CEO của công ty Lens Technology, chuyên sản xuất mặt kính điện thoại di động được chú ý vì lập nên khối gia sản khổng lồ từ hai bàn trắng. Theo ước tính, hiện bà sở hữu 8,2 tỷ USD và công ty được định giá 11 tỷ USD.

Bà Chu Quần Phương - nữ tỷ phủ tự thân giàu nhất Trung Quốc.

Bà Chu là chị cả trong một gia đình có 3 anh chị em. Bà sinh ra trong một ngôi làng nhỏ, hẻo lánh ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mẹ qua đời khi bà 5 tuổi và cha sớm mất thị lực sau một tai nạn lao động. Từ nhỏ bà đã nuôi lợn và vịt để có nguồn thu nhập cho cả gia đình.

Mặc dù luôn có thành tích tốt trong học tập nhưng bà đã bỏ học vào năm 16 tuổi và đến nhà bác ruột ở Nam Quảng Đông để tìm công việc. Bà trúng tuyển vào làm công nhân trong một nhà máy sản xuất kính đồng hồ tại Thâm Quyến với mức lương khoảng một USD mỗi ngày.

Nói về cuộc sống lúc đó, bà chia sẻ: "Tôi làm việc từ 8h sáng đến 12h đêm, có hôm đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Công việc không phân chia các ca, nhiệm vụ chủ yếu là lau kính và tôi không thích việc đó".

Sau 3 tháng làm việc, bà quyết định nghỉ làm và viết một lá thư xin thôi việc gửi cho quản đốc. Trong đó, bà chia sẻ về giờ giấc làm việc nặng nhọc và công việc buồn chán. Thêm vào đó, bà nhấn mạnh vào tương lai muốn có trong công việc và bày tỏ muốn được học hỏi thêm. Bức thư đã khiến người quản đốc phân xưởng cảm động và đề xuất muốn thăng chức cho bà. Đó là lần thăng chức đầu tiên của rất nhiều lần khác trong 3 năm sau đó.

Đến năm 1993, khi mới 22 tuổi, Chu Quần Phi quyết định thành lập công ty riêng. Với 3.000 USD tích góp được trong những năm đi làm, bà cùng một số người họ hàng mở phân xưởng riêng với lời hứa sẽ sản xuất loại kính đồng hồ chất lượng cao hơn so với mặt bằng chung thời bấy giờ.

Tại công xưởng mới, bà Chu tham gia vào mọi khâu sản xuất. Bà sửa chữa và thiết kế máy móc nhà máy. Bà đã cho áp dụng quy trình in lưới phức tạp với kỹ thuật khó khăn để cải thiện các bản in kính cong. "Trong tiếng Hồ Nam, chúng tôi có một từ 'ba de man' để gọi những người như bà ấy, nghĩa là người dám làm những thứ người khác không dám" - anh họ của bà Chu, người cũng đang làm việc tại Lens Technology - chia sẻ.

Khởi nghiệp với một nhà máy sản xuất kính đồng hồ, nhưng việc sản xuất mặt kính cho điện thoại di động mới là yếu tố giúp Chu Quần Phi sở hữu tài sản tỷ đô. 

Vào năm 2003, xí nghiệp của bà Chu vẫn chỉ sản xuất kính đồng hồ, cho đến khi bà nhận được cuộc gọi bất ngờ từ Motorola. Công ty này đưa ra yêu cầu hợp tác phát triển loại kính màn hình cho chiếc điện thoại Rarz V3 của họ.

Khi đó, màn hình hiển thị của hầu hết sản phẩm điện thoại di động đều làm bằng nhựa. Motorola muốn sản xuất màn hình bằng kính để tăng độ chống xước và khiến hình ảnh hiển thị của tin nhắn, ảnh được sắc nét hơn. Bà Chu chia sẻ: "Tôi nhận được cuộc gọi, họ nói "chỉ cần trả lời có hoặc không thôi, nếu câu trả lời là có, chúng tôi sẽ giúp cô xây dụng quy trình sản xuất". Và bà Chu đã đồng ý với lời mời đó.

Không lâu sau đó, công ty của bà Chu nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ các hãng sản xuất điện thoại như HTC, Nokia và Samsung. Năm 2007, Apple bước chân vào thị trường điện thoại di động với iPhone, thiết bị sử dụng bàn phím cảm ứng. Sản phẩm này đã viết lại luật chơi cho thị những chiếc điện thoại di dộng. Apple chọn Lens của bà Chu là đơn vị cung cấp màn hình và đưa công ty của bà trở thành đơn vị thống lĩnh tại Trung Quốc.

Sau đó, bà đầu tư mạnh xây dựng cơ sở vật chất mới và thuê đội ngũ kỹ thuật cao. Những người cộng sự cho biết, không ít lần, bà Chu phải thế chấp gia sản của mình, vay vốn ngân hàng để mở rộng kinh doanh.

Các nhà máy của Lens vận hành suốt ngày đêm với khoảng 75.000 công nhân. Mỗi ngày, công ty nhập hàng tấn kính từ các cơ sở sản xuất trên khắp thế giới như Corning ở Mỹ và Asahi ở Nhật Bản. James Hollis, một giám đốc của Corning đối tác của Len, nhận xét: "Bà Chu là một doanh nhân đầy đam mê và rất thực tế, tôi đã chứng kiến công ty của bà ấy phát triển, hiện nay có khoảng 100 đơn vị cạnh tranh tại Trung Quốc, nhưng Lens Technology vẫn là đơn vị hàng đầu".

Những tấm kính được cắt, mài đúng kích cỡ, đánh bóng để trở nên trong suốt. Sau đó chúng được gia tăng sức chịu lực bằng cách ngâm trong ion kali, rồi được sơn và chờ khô. Cuối cùng kính sẽ đi qua một lớp chống bụi phản quang.

Bà Chu là người thiết kế và phân chia từng bước trong quy trình sản xuất một cách rất chi tiết. Bà chia sẻ: "Cha tôi không nhìn thấy gì, vì vậy, mọi thứ phải được đặt đúng vị trí, không sai sót, đó cũng là yêu cầu chi tiết mà tôi đặt ra tại nơi sản xuất".

Chu Quần Phi không hẳn là một doanh nhân nổi tiếng. Trước năm 2015, trước khi công ty bà phát hành cổ phiếu, không có nhiều người ở Trung Quốc biết đến bà, nữ doanh nhân này rất ít nhận các cuộc phỏng vấn và không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Nói về sự thành công của mình, bà chia sẻ: "Tại ngôi làng nơi tôi lớn lên, rất nhiều cô gái không có sự lựa chọn hoặc không được đi học cấp 3. Họ phải kết hôn sớm và dành cả cuộc đời sống trong ngôi làng đó, tôi chọn trở thành một doanh nhân và tôi không bao giờ hối tiếc về điều đó".

Theo New York Times/Ngôi sao