Dòng sự kiện:

Bé gái vụ nhầm con ở Bình Phước không thể đến trường vì ốm yếu

02:36 08/09/2016
Vì thể trạng ốm yếu do suy dinh dưỡng, một bé gái vụ nhầm con ở Bình Phước không thể đến trường như bé còn lại.

Liên quan đến vụ nhầm con ở Bình Phước gây chấn động dư luận suốt cả tháng qua, chia sẻ với Phụ nữ TP. HCM, anh Vũ Đình Khiên (ngụ thị xã Bình Long, Bình Phước) - cha của cháu bé bị nhân viên Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long trao nhầm vào năm 2013 cho biết: "Cháu Ngọc Yến hiện tại không thể tới trường do thể trạng yếu vì bị suy dinh dưỡng độ 2, chỉ có cháu Lan Anh được đi học. Gia đình đang cho cháu Yến uống thuốc, kết hợp ăn uống, luyện tập theo lộ trình mà bác sĩ đưa ra để cải thiện tình trạng bệnh".

Theo lời kể của anh Khiên, cháu Ngọc Yến từ bé sống trong gia đình chị Liên đã phải chịu nhiều thiếu thốn, ăn uống không đủ chất nên còi cọc từ nhỏ. Bé Ngọc Yến gần 4 tuổi nhưng chỉ nặng 10kg, mang thân hình như của đứa trẻ 1,5 - 2 tuổi. "Thể chất yếu dẫn đến việc tinh thần của cháu Yến bị ảnh hưởng. Nhiều lúc, cháu Yến không nhanh nhạy như Lan Anh, dễ bị ốm khi thời tiết thay đổi".

Bé Ngọc Yến bị suy dinh dưỡng độ 2, sức khỏe yếu nên không thể đến trường. Ảnh: Khám phá

Theo lời anh Khiên, hiện tại vợ chồng anh phải cắt cử một người ở nhà để chăm sóc bé Ngọc Yến còn một người đi làm để có kinh tế duy trì việc chữa bệnh cho con gái.

Cũng vì điều kiện không cho phép nên gần 1 tháng nay vợ chồng anh phải gửi bé Lan Anh về gia đình chị Liên ở. "Chắc 1 - 2 tháng nữa chúng tôi tiếp tục đón cháu ra ngoài này đi học vì trong đó đường tới trường khó khăn, cơ sở vật chất cũng không đầy đủ. Dù biết sẽ rất khó khăn nhưng gia đình tôi vẫn cố cho hai cháu có được sự đầy đủ nhất", anh Khiên tâm sự.

Cũng thông tin trên tờ báo này cho biết về gia đình chị Liên (mẹ đẻ cháu Lan Anh, ngụ huyện Hớn Quản, Bình Phước), người chồng chị sau khi phản đối việc trao nhận lại con đẻ ở trụ sở Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long đã bỏ đi đâu không rõ. Từ đó đến nay, người chồng cũng không liên lạc gì với chị Liên.

Trước đó, chia sẻ trên báo khám phá, chị Liên cho biết, hơn ba năm trước, chị yêu và trao thân cho anh Huỳnh Văn Tuấn. Khi thai bốn tuần tuổi, chị thông báo với Tuấn và đề nghị được kết hôn. Thế nhưng, Tuấn không những không chịu trách nhiệm mà còn bỏ đi biệt tăm.

Vài tháng trước, Tuấn trở về, xin được nối lại tình xưa. Tình cảm của chị Liên đối với người chồng không hôn thú vẫn còn nên chấp thuận. Sống chung với nhau chỉ được một thời gian ngắn thì chị mang thai. 

Trong quãng thời gian này, chồng chị Liên không chịu làm lụng, đỡ đần vợ con. Nguyên nhân chồng chị Liên chưa muốn trao nhận lại con là do khúc mắc chuyện tiền bồi thường của bệnh viện.

Liên quan đến vụ việc, anh Khiên cho biết thêm, hiện vụ việc nhầm con đã được giải quyết 1 tháng nay, tuy nhiên cho đến nay, số tiền 20 triệu đồng bồi thường theo cam kết từ phía bệnh viện 2 gia đình vẫn chưa nhận được.

Hai bé gái trong vụ nhầm con ở Bình Phước. Ảnh: Vietnamnet

Ba năm trước, chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (24 tuổi) tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Chị Trang sinh trước sản phụ kia chừng 15 phút. Thấy con lớn lên mà chẳng giống ai trong gia đình, người chồng nghi ngờ vợ ngoại tình suốt 3 năm qua.

Đầu tháng 5, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên, bố chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên nghi ngờ. Chị Trang sau đó đưa bé về TP HCM xét nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống.

Nhận được khiếu nại, Bệnh viện Bình Long đã đưa hai bé gái sinh tại đây 3 năm trước đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. Theo tường trình của các hộ sinh trực hôm ấy, có thể trong lúc tắm rửa sau sinh, dấu mực được đánh trên tay bé bị phai nên mới dẫn đến việc trao nhầm.

Về bồi thường, ông Hoàng Văn Thanh (giám đốc Bệnh viện đa khoa Bình Long) đã đưa ra lời xin lỗi chân thành đến 2 gia đình, đồng thời đưa ra mức hỗ trợ về tinh thần 20 triệu đồng cho mỗi gia đình (tương đương 10 tháng lương cơ bản và 8 triệu đồng trích từ bệnh viện). 

Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam