Dòng sự kiện:

Biết được tình cảm vợ chồng qua cách xưng hô

Theo TGTT
10:07 14/02/2019
Cách xưng hô giữa vợ chồng thể hiện tình cảm, nhận thức lẫn truyền thống văn hóa trong mỗi gia đình.

Có người ngụy biện cách xưng hô chỉ như lớp vỏ bên ngoài, tình cảm bên trong mới là quan trọng. Tuy nhiên nếu không lưu tâm yếu tố bên ngoài đó thì gia đình cũng dễ xảy ra chuyện. Không ít trường hợp những mâu thuẫn, bất đồng không mấy trầm trọng nhưng chính cách xưng hô thiếu kiềm chế, hàm hồ chẳng khác nào châm dầu vào lửa khiến xung đột trở nên trầm trọng.

Không đơn thuần là cách gọi nhau giữa vợ chồng, cách xưng hô còn là tấm gương để con cái nhìn vào và noi theo sau này khi đã trưởng thành. Những đứa con sẽ học được điều gì khi chỉ được nghe cha mẹ trong nhà xưng hô theo kiểu mày tao, mi tớ?

Một nghịch lý đáng buồn khi hằng ngày chúng ta thường tỏ ra lịch sự, nhã nhặn với những người chỉ gặp có một lần trong khi với người đầu ấp, tay gối cả đời thì lại suồng sã, thậm chí thô lỗ trong lời ăn, tiếng nói. Không ít cô cậu tuổi teen hiện nay cứ mở miệng ra xưng hô là chồng vợ hoặc ông xã bà xã cứ y như thật, trong lúc nhiều cặp vợ chồng thực sự lại gọi nhau mày tao nghe mà phát hoảng.

Cách xưng hô chính thứ gia vị thiết yếu, một dạng vitamin cho cuộc sống vợ chồng thêm mặn nồng dù cho năm tháng vẫn cứ vùn vụt trôi qua (Ảnh minh họa)

Một người bạn là thẩm phán ở tòa án có lần chia sẻ về việc gặp gỡ để hòa giải các gia đình trước khi hôn. Chỉ trong một giờ đồng hồ mà cách xưng hô của họ thay đổi liên tục, từ anh em đến cô tôi hay anh tôi, chẳng mấy chốc thành ông tôi hoặc bà tôi, và cuối cùng là mày tao. Thường thì mỗi lần thay đổi cách xưng hô là mâu thuẫn được đẩy thêm lên một bậc nữa. Khi đến đỉnh điểm của mày tao cũng là lúc không thể cứu vãn tình hình, chỉ còn cách đợi ngày ra tòa. 

Cách đây không lâu, trong một game show được phát trên truyền hình, một thí sinh dù giành được chiến thắng trong đêm chung kết nhưng đã hứng chịu không ít gạch đá do gọi người bạn đời của mình là nó, con mập, mặc cho cô vợ của anh ta cũng có mặt trong trường quay hôm đó. Người thì khen dễ thương, một cách khôi hài nhưng cũng không ít ý kiến cho là hơi lố, không tôn trọng người bạn đời. Cho dù chỉ một câu nói vui nhưng cũng có khi mang đến những hậu quả không thể lường trước, huống chi một chương trình được phát sóng rộng rãi.

Nhiều người cho rằng chỉ cần lịch sự khi làm việc, giao tiếp với người ngoài thôi chứ vợ chồng sống với nhau cả đời thì cần gì phải câu nệ hình thức như vậy. Nhưng họ không nghĩ rằng chính điều đó là nguyên nhân gây nên những rạn vỡ trong cuộc sống gia đình. Thật ra phép lịch sự là biểu hiện cụ thể của sự tôn trọng nhau cuộc sống vợ chồng cũng có thể ví von như dầu nhờn bôi trơn cho máy móc khi vận hành. Nhưng trong thực tế, lắm lúc chúng ta lại quên mất những lời cảm ơn, xin lỗi đối với những người thân thuộc nhất. Điều đó có khi xuất phát từ suy nghĩ đã là chồng vợ thì hiển nhiên phải phục vụ cho nhau như một bổn phận thì cần chi phải xin lỗi hay cảm ơn?.

Có người cho rằng miễn ăn ở thuận hòa là được chớ quan trọng gì đâu ba cái chuyện xưng hô. Tuy nhiên, xưng hô là một cách thể hiện tình cảm, sự tôn trọng nhau trong đời sống vợ chồng. Hiện nay, vợ chồng xưng hô anh – em khá phổ biến và tương đối phù hợp. Cách xưng hô này được bắt đầu khi đôi trai gái mới quen biết nhau, xuyên suốt thời gian yêu đương hẹn hò, khi nên duyên chồng vợ, băng qua những năm tháng chia ngọt sẻ bùi và cả đến lúc đầu bạc, răng long. Khi hạnh phúc hay lúc đau buồn, khi khỏe mạnh hay lúc đau yếu, khi nụ cười tươi thắm trên môi hay lúc ngập tràn nước mắt thì cách xưng hô anh - em giữa hai vợ chồng vẫn luôn đong đầy tình yêu và sự trân quý lẫn nhau.

Không quá lời khi cho rằng cách xưng hô chính thứ gia vị thiết yếu, một dạng vitamin cho cuộc sống vợ chồng thêm mặn nồng dù cho năm tháng vẫn cứ vùn vụt trôi qua. Đó là cách để giữ lửa yêu thương luôn nồng cháy, để tình cảm vợ chồng lúc nào cũng “tương kính như tân”.

Nguồn: Gia đình Việt Nam