Dòng sự kiện:

Bộ GDĐT nói gì về 'lợi ích nhóm' khi tiếp tục triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục?

Theo báo Lao động
08:08 11/09/2018
Ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT cho biết, năm học 2018 – 2019, tiếp tục triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) ở những địa phương theo nguyên tắc tự nguyện. Việc triển khai này không có lợi ích nhóm.

Thưa ông Nguyễn Đức Hữu, quan điểm của Bộ GDĐT như thế nào về những nhận xét tiêu cực của dư luận xã hội về tài liệu TV1-CNGD?

- Vừa qua, dư luận có nhiều ý kiến về cách đánh vần trong tài liệu này, nhưng theo chúng tôi đây là vấn đề hết sức bình thường. Quan điểm của Bộ GDĐT cho rằng, những đổi mới không theo truyền thống cũ thì ắt sẽ được xã hội quan tâm nhiều.

Tuy nhiên, những kiến thức này thực tế không có gì quá mới mẻ và làm khác đi mà quan trọng là trong những cách tiếp cận đổi mới giáo dục sẽ có những con đường để đi đến đích khác nhau. Những giải pháp sư phạm mà mỗi một tài liệu, một bộ sách giáo khoa đặt ra cách tiếp cận để cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết.

Ông có thể chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của tài liệu TV1-CNGD?

- Ưu điểm của tài liệu TV1-CNGD là thiên dạy về ngữ âm. Trong quá trình dạy học chú trọng dạy cả chữ và ngữ âm. Trong việc dạy học sinh đánh vần theo cách học vừa rồi có thể thấy, học sinh nắm rất chắc về ngữ âm và biết cách viết. Trên cơ sở đó, học sinh nắm chắc ngữ pháp và viết không bị sai. Sau giai đoạn đọc vần, học sinh sẽ đọc thành thạo, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu chương trình tiếng Việt.

Tôi nghĩ, đây là cách dạy cho học sinh cách nhận diện trực quan nhất, đơn giản nhất chứ không như một số ý kiến nói rằng, nó quá khó cho học sinh, nhất là với học sinh lớp 1. Đây cũng là một trong các ưu điểm của tài liệu TV1-CNGD.

Còn đối với điểm hạn chế, trước khi thẩm định, trong tài liệu TV1-CNGD có những từ ngữ khó hiểu cho học sinh hay những bài tập đọc khá dài, hội đồng thẩm định đã yêu cầu khắc phục. Tôi cũng rất hy vọng, tài liệu này trong năm học 2018 – 2019 đến được với các trường tiểu học hết sức nhẹ nhàng và thoải mái.

Bộ GDĐT nói gì về lợi ích nhóm khi tiếp tục triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục?
Ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GDĐT. Ảnh: Dân trí

Tính đến năm 2016, tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã giao cho Viện nghiên cứu Khoa học Giáo dục thực hiện nghiên cứu, khảo sát và có những đề xuất kiến nghị về việc có triển khai nữa hay không.

Qua khảo sát cho thấy, tài liệu triển khai ở các địa phương diễn ra kết quả khả quan đối với giáo dục học sinh và năng lực chuyên môn giáo viên. Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT tổ chức hội đồng thẩm định, đề nghị các tác giả chỉnh sửa để hoàn thành trên bộ sách, đáp ứng đúng nhu cầu các địa phương.

Chúng tôi cho rằng, việc Bộ GDĐT giao cho Viện Khoa học Giáo dục đã có kết quả hết sức tốt. Cho đến nay, tôi khẳng định tài liệu tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đáp ứng được yêu cầu của hội đồng thẩm định và giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy, học sinh đổi mới cách học tốt hơn.

Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến dư luận cho rằng việc triển khai tài liệu TV1-CNGD này có lợi ích nhóm?

- Tôi khẳng định ở đây không có lợi ích nhóm. Tất cả vì lợi ích của học sinh. Nếu chúng ta không đổi mới thì chấp nhận sự phẳng lặng, nhưng khi chúng ta đổi mới thì cũng có những cái gợn lên. Trong quá trình đổi mới tất nhiên sẽ có các ý kiến trái chiều, chúng ta phải chấp nhận dư luận xã hội.

Với góc độ quản lý chỉ đạo chuyên môn, tôi thấy rằng, cần phải thực hiện tốt công tác truyền thông và đặc biệt là với phụ huynh học sinh, các thầy giáo cô giáo, khi nào họ đã sẵn sàng thì đổi mới ấy mới thành công được.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Nguồn: Gia đình Việt Nam