Dòng sự kiện:

Bộ Giáo dục lên tiếng về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục

Theo VNE
06:36 09/09/2018
Sách được áp dụng năm 1978 và từ năm nay Bộ không mở rộng nhằm giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trước ồn ào về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, ngày 8/9, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã lên tiếng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ. Ảnh: H.N.

Ông Độ cho hay, tài liệu là kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS Hồ Ngọc Đại, được áp dụng dạy học ở Trường Thực nghiệm (Giảng Võ, Hà Nội) từ năm 1978. Căn cứ kết quả dạy thí điểm ở đây và một số cơ sở khác, Bộ đồng ý cho các địa phương (nhất là vùng khó khăn) có nhu cầu và đảm bảo điều kiện được áp dụng dạy học, từ năm học 2008-2009 đến 2016-2017.

Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục gồm 3 tập, dạy học sinh đánh vần theo nguyên tắc phân tích ngữ âm học. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cuối năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, đánh giá hiệu quả triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục và đề xuất giải pháp. "Viện đánh giá việc áp dục tài liệu ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan, thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên...", ông Độ nói.

Năm 2017-2018, Bộ Giáo dục tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục. Hai vòng thẩm định đều cho đánh giá chung là tài liệu cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Sách này đồng thời được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của hội đồng.

Từ đánh giá của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ Giáo dục đã hướng dẫn Sở Giáo dục các tỉnh triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019. "Không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới", Thứ trưởng Giáo dục nhấn mạnh chủ trương của Bộ.

Ông Nguyễn Hữu Độ đánh giá, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành (áp dụng từ năm học 2019-2020), với chủ trương "một chương trình nhiều sách giáo khoa", tất cả tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.

Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Giáo dục sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong cơ sở giáo dục. Căn cứ vào các quy định, nhà trường được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp trong danh sách đó.

Trước đó, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.

Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục - PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả.

Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố có trường dùng cuốn sách này.

Nguồn: Gia đình Việt Nam