Dòng sự kiện:

Bỏ thu tiền trái tuyến, phụ huynh lại lo thu tiền 'tự nguyện'

Theo Lao động
12:05 07/09/2018
Câu chuyện về thu-chi đầu năm học vẫn là chủ đề gây nên nhiều nhức nhối cho cha mẹ học sinh. Nỗi lo này chưa qua, nỗi lo khác đã tới khi phụ huynh vẫn lo ngại về những khoản thu nộp được gợi ý “tự nguyện”...

Câu chuyện về thu-chi đầu năm học vẫn là chủ đề gây nên nhiều nhức nhối cho cha mẹ học sinh. Những tưởng việc nhiều tỉnh, thành phố ban hành quy định cấm thu trái tuyến sẽ khiến nhiều phụ huynh “nức lòng”. Thế nhưng, nỗi lo này chưa qua, nỗi lo khác đã tới khi phụ huynh vẫn lo ngại về những khoản thu nộp được gợi ý “tự nguyện” nhưng thực ra lại trên tinh thần “ép buộc”. 

Các phụ huynh có mặt tại Trường Tiểu học Sơn Đồng phản ánh về những khoản thu vô lý của nhà trường trước thềm năm học mới 2018-2019. Ảnh: Hải Nguyễn.

Quá nhiều khoản thu

Những năm học trước, nhiều phụ huynh ở Hải Phòng, Huế, Thanh Hoá, Hà Nội... có con học trái tuyến bắt đầu vào lớp 1 “méo mặt” mỗi khi nghĩ về khoản tiền phải đóng mang tên “ủng hộ trái tuyến”. Dù các trường đều đưa ra danh nghĩa kêu gọi ủng hộ xây dựng cơ sở vật chất theo hình thức tự nguyện, không quy định mức đóng góp, nhưng mỗi học sinh trái tuyến đều nộp một khoản tiền nhất định từ 1 đến chục triệu đồng.

Cũng chính từ việc này, sau thanh tra, kiểm tra, nhiều trường đã phải trả lại tiền thu trái tuyến cho phụ huynh như trường hợp Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TP.Thanh Hóa) trả lại 250 triệu đồng...

Hiện nay, các bậc phụ huynh không còn nỗi lo thu tiền trái tuyến, tuy nhiên không ít phụ huynh tiếp tục lo biến tướng bởi các khoản thu tự nguyện. Có thể thấy điểm chung của việc huy động đóng góp này đều “núp bóng” tự nguyện.

Mới đây nhất, ngày 4.9, hàng trăm phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) đã bức xúc trước việc nhà trường thông báo tới phụ huynh nhiều khoản thu, lên đến gần 8 triệu đồng trong năm học mới.

Trong đó có những khoản như tiền đồng phục và sách giáo khoa 800.000 đồng; tiền lớp chất lượng cao 600.000 đồng; bảng tính thông minh 650.000 đồng.

Cùng rất nhiều loại quỹ như phụ huynh trường 250.000 đồng; quỹ lớp 300.000 đồng; quỹ học tập 150.000 đồng…

Trong số các khoản tiền mà nhà trường thông báo, nhiều khoản phụ huynh đã nộp tiền cho thủ quỹ của trường và giáo viên chủ nhiệm. Các khoản này đều không có biên lai thu-chi.

Sau khi báo chí phản ánh sự việc trên, sáng 5.9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo làm rõ vụ phụ huynh tố trường lạm thu. Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giao Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức kiểm tra thông tin, chỉ đạo nhà trường thu đúng, đủ các khoản thu theo quy định. Thành phố nghiêm cấm việc thu ngoài quy định gây bức xúc trong phụ huynh.

Có thật là tự nguyện?

Trước những lo ngại này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GDĐT Trần Tú Khánh cho biết: Huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục đang là một chủ trương đúng đắn và cần được nhân rộng. Tuy nhiên, một số nơi đã biến hành động ý nghĩa này trở nên méo mó, biến tướng thành hiện tượng lạm thu.

“Các đơn vị không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa, tài trợ với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, dẫn đến tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền như ở Hải Phòng, Thanh Hóa... Huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện” - ông Khánh nhận định.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GDĐT đã ban hành văn bản 1029 gửi tất cả các địa phương, trong đó đặc biệt có nội dung chấn chỉnh tình trạng lạm thu, yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ, từ kế hoạch năm học, kế hoạch kêu gọi, tài trợ, xã hội hóa, rồi tất cả các vấn đề liên quan đến thu-chi năm học để quán triệt trước và đầu năm học.

Bộ cũng đã có hướng dẫn công tác thanh kiểm tra với việc triển khai các kế hoạch đào tạo trong năm; đặc biệt thanh kiểm tra với lạm thu, giao cho các Sở GDĐT phải triển khai để phát hiện kịp thời những hiện tượng lợi dụng hội cha mẹ học sinh, lợi dụng xã hội hóa hoặc lợi dụng Thông tư 29 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để triển khai thu áp đặt, cào bằng, dẫn đến bất bình trong phụ huynh học sinh. 

Nguồn: Gia đình Việt Nam