Dòng sự kiện:

Bộ trưởng Giáo dục trả lời chất vấn về kỳ thi THPT quốc gia 2017

03:20 17/11/2016
Đề cập phương pháp thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ không đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng rằng cách thi này công bằng, tránh gian lận.

Ngày 16/11, lần đầu tiên đăng đàn Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có gần 60 đại biểu chất vấn, 18 đại biểu tranh luận lại. Nội dung chất vấn đa dạng, từ chất lượng nguồn nhân lực, đề án ngoại ngữ, dạy thêm học thêm, trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia hay rất cụ thể như việc điều giáo viên đi tiếp khách ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Đề cập phương pháp thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ không đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng rằng cách thi này công bằng, tránh gian lận. Bà Nga cho rằng cách thức thi trắc nghiệm không phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh mà vẫn rơi vào tình trạng "hô hào" nhiều năm qua. Với các môn học tự nhiên, hình thức thi này không tạo thành kỹ năng thực hành cho học sinh, trong khi đã tốn hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn thực hành tại trường học.

Đề cập phương pháp thi trắc nghiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ không đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng rằng cách thi này công bằng, tránh gian lận.

"Bộ trưởng cho rằng thi trắc nghiệm có tác dụng đánh giá học sinh công bằng, tránh gian lận, nhưng tôi lại thấy ngược lại", đại biểu tỉnh Hải Dương nói và dẫn chứng nhiều học sinh nói với bà thích thi trắc nghiệm vì chỉ cần một bạn học tốt là có thể giúp cả phòng làm bài. Cách thức là em học tốt sẽ xực nhiều dầu gió và nếu lựa phương án 1 thì em ho một tiếng, phương án 2 thì ho hai tiếng...

"Trong quy chế thì không ai cấm ho, nên một bạn làm được bài thì cả phòng làm được", bà Nga giải thích. Nữ đại biểu vừa dứt lời, cả hội trường xôn xao, nhiều tiếng cười lớn vang lên.

Bộ trưởng Nhạ giải thích mỗi phòng thi trắc nghiệm có 25 học sinh, mỗi em một mã đề riêng, nên khó có chuyện nhắc bài bằng cách ho. Câu hỏi đã có kỹ thuật để chuẩn hóa, chấm bằng máy. Qua kiểm tra thực tế thi trắc nghiệm ở Đại học Quốc gia Hà Nội, học sinh rất hào hứng, tự giác. Thi trắc nghiệm không phải cứng nhắc, yêu cầu nhớ máy móc mà có cả câu hỏi tư duy, phản biện.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục cho hay, mỗi kỳ thi THPT quốc gia có hàng triệu học sinh tham gia, thời gian thi rất ngắn. Mục tiêu là để kiểm tra trình độ toàn diện, tránh việc thi môn nào học môn đó trong thời gian dài, dẫn tới học tủ, học lệch, kiến thức cơ bản phổ thông yếu.

“Mỗi phương án, đề thi Bộ căn nhắc kỹ vì ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh. Tuy nhiên, không có phương án thi nào tuyệt đối, chỉ có phương án tương đối ổn định phù hợp với sự phát triển đất nước. Không nên đặt vấn đề đưa ra một phương thức đúng mãi trong nhiều năm”, Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh.

>> Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận Đề án Ngoại ngữ 2020 thất bại

Theo VnExpress

Nguồn: Gia đình Việt Nam