Dòng sự kiện:

Cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi theo chuẩn khoa học

Theo Phununews
14:04 30/12/2018
Không giống chăm sóc trẻ sơ sinh, cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi không còn là một nhiệm vụ quá khó khăn với các bà mẹ. Bởi trong giai đoạn này, bé cưng đã theo một lịch trình nhất định.

Bắt đầu bước vào tháng thứ 3 trẻ sơ sinh có những biến đổi lớn về cân nặng, chiều cao, nét mặt. Những kiến thức về cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi vô cùng quan trọng giúp sự tăng trưởng của con ổn định và phát triển hơn do đó các bậc cha mẹ cần phải có đầy đủ những kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc con ở độ tuổi này.

1/ Chú ý chế độ dinh dưỡng

Sữa mẹ/ sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng duy nhất lúc này (mẹ tuyệt đối không cho bé ăn/ uống thêm gì khác kể cả nước lọc và luôn nhớ pha sữa theo đúng liều lượng chỉ định với trường hợp bé dùng sữa công thức). Tuy vậy, bước sang tháng thứ 3 bé cần lượng sữa nhiều hơn (trung bình khoảng 900ml/ ngày với chừng 170 - 200ml/ lần bú), do đó mẹ nên chú trọng đến bữa ăn hàng ngày sao cho cung cấp đầy đủ, đa dạng dưỡng chất.

- Cho bé bú theo nhu cầu: Thay vì căn giờ một cách đều đặn, tốt nhất là mẹ hãy để ý đến các dấu hiệu bé đói và cho con bú đúng lúc, như thế bé sẽ hấp thu tốt hơn và kích thích sữa mẹ tiết ra nhiều hơn. Mẹ lưu ý, sữa đầu và sữa cuối chứa thành phần dinh dưỡng không giống nhau, do đó nên cho bé bú hết một bên vú rồi mới chuyển qua bầu vú kia. Trường hợp mẹ dư sữa, sau khi con bú xong nên vắt hết sữa ra để kích thích sản xuất sữa mới đồng thời tránh bị tắc tia sữa. Sữa mẹ vắt ra nếu bảo quản tốt có thể dùng được trong 6 tháng, phòng khi cần thiết.

- Đừng bỏ qua "giai đoạn phát triển tăng vọt" của bé: Ở trẻ sơ sinh có những giai đoạn "vàng" mà bé phát triển rất nhanh cả về thể chất lẫn kĩ năng, trong đó có một giai đoạn rơi vào tháng thứ 3 mà bố mẹ không nên bỏ lỡ. Giai đoạn phát triển tăng vọt này chỉ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn (vài ngày đến 1 tuần), mẹ sẽ thấy bé có các biểu hiện như: Nhanh đói, bú nhiều, ngủ nhiều, tăng cân nhanh; trẻ có nhiều biểu hiện như cáu kỉnh, hay quấy khóc, "bám mẹ" cả lúc thức lẫn khi ngủ,... Khi đó, mẹ nhớ đáp ứng đủ nhu cầu của bé: Cho con bú ngay khi đói và bú đủ no, cho bé ngủ khi thấy con muốn ngủ để hormone tăng trưởng chiều cao sản sinh nhiều hơn. Nắm bắt được giai đoạn này, mẹ có thể tạo điều kiện cho con phát triển tối đa.

2/ Giấc ngủ của bé

So với những bé 1 tháng tuổi, trẻ 3 tháng tuổi cần ít thời gian ngủ hơn, chỉ khoảng 15 tiếng/ ngày. Bé thường ngủ từ 3-4 giấc ban ngày với mỗi giấc khoảng từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Vào ban đêm, trẻ có thể ngủ nhiều hơn, từ 10 – 12 tiếng. Tuy nhiên, giấc ngủ của trẻ có thể không liên tục. Theo thống kê, có 95% trẻ dưới 12 tháng tuổi “phải” thức dậy ít nhất 3 lần vào mỗi đêm, và việc này rất bình thường. Thậm chí, theo ý kiến của các chuyên gia, so với những bé “ngoan”, những bé thường xuyên “quậy” về đêm thường có khả năng nhận thức và sự đồng cảm nhiều hơn.

Bạn nên lưu ý một số điểm sau để xây dựng lịch trình ngủ giấc liền mạch về ban đêm cho bé.

- Xây dựng giờ ngủ cố định cho bé: Đến giờ ngủ, bạn có thể đọc sách, hát ru cho bé. Điều này sẽ tạo thành phản xạ có điều kiện tự nhiên cho mỗi lần đi ngủ của bé. Hơn nữa, việc ngủ đúng giờ còn phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể bé ngay từ khi còn nhỏ.

- Bạn nên đặt bé ngủ an toàn trên cũi hoặc giường. Bạn cũng có thể thắp một ngọn đèn nhỏ để bé không hoảng hốt nếu bỗng nhiên phải thức giấc giữa chừng mà không có cha mẹ bên cạnh.

- Khi bé chợt thức giấc, bạn nên dỗ dành bé một chút để xem có phải bé khó ngủ là vì đói không. Nếu bé đói, bạn nên cho bé bú trong không gian yên tĩnh và ánh đèn nhạt để bé có thể quay lại ngủ nhanh sau đó. Giai đoạn này, bạn có thể áp dụng chế độ cắt giảm tần suất bú đêm ở bé mà vẫn đảm bảo đủ lượng sữa cho bé mỗi ngày.

3/ Chăm sóc vận động

Bước sang tháng tuổi thứ 3, cơ thể bé cứng cáp hơn trước. Bé có những cử chỉ hiếu động, có khả năng lật nửa người. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải thật chú ý, tuyệt đối không để cho bé nằm một mình trên giường hoặc ở những vị trí đặt bé.

Lúc này khả năng về thị giác và thính giác của trẻ đã phát triển hơn trước, các mẹ có thể sử dụng những đồ chơi có hình dáng đáng yêu, nhiều màu sắc để treo quanh nôi hoặc giường bé nằm, đảm bảo bé có thể cầm nắm hoặc nhìn thấy đồ vật đó một cách dễ dàng. Đây chính là cách để bé phát triển và vận động thị giác hiệu quả mà các mẹ nên thực hiện. Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng những đồ vật này an toàn, vệ sinh sạch sẽ, không ảnh hưởng tới trẻ.

Những lưu ý an toàn cho bé

- Bé có thể bị ngã: Bé đã cử động được khá nhiều; do đó, bạn không nên đặt bé trên giường hoặc trên bàn một mình. Nếu bạn bận việc, tốt nhất, bạn nên đặt bé trong cũi hoặc trên mặt phẳng đảm bảo độ an toàn và không làm bé ngã.

- Bé có thể bi bỏng: Bé có khả năng cầm, nắm hoặc tóm lấy đồ vật trong cự ly gần; vì vậy, bạn nên tránh những cốc nước nóng, những loại đồ chơi chất liệu kém an toàn xung quanh bé.

- Loại trừ những đồ vật nhỏ: Thói quen cầm đồ vật và cho vào miệng đã được nhiều bé thực hành ở giai đoạn này. Bạn nên dọn dẹp những đồ vật nhỏ xung quanh chỗ bé nằm để phòng tránh nguy cơ hóc cho bé.

- Lưu ý với ghế ngồi trên xe ôtô: Bạn không nên đặt bé theo kiểu nửa nằm nửa ngồi trên ghế ôtô riêng hoặc taxi. Bởi vì hệ xương cổ của bé lúc này còn khá yếu, cộng với chuyển động của ôtô có thể gây chấn thương cho bé. Kiểu ngồi một mình trên ghế ôtô chỉ thích hợp khi bé lớn hơn. Nên chuẩn bị ghế riêng cho bé hoặc bạn bế bé khi đi taxi.

- Lưu ý với trang phục: Bạn tuyệt đối tránh để bé “chật cứng” trong những bộ quần áo gò bó vì điều này có thể làm bé ngạt thở.

Trên đây là những cách chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi mà bố mẹ cần nắm rõ. Ngoài ra, bản thân bố mẹ hay những người thường xuyên gần gũi bé cũng nên giữ vệ sinh sạch sẽ, giữ sức khỏe tốt, đặc biệt là mẹ cần ăn uống đủ chất, uống nhiều nước,... để bảo vệ sức khỏe và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé phát triển.

Nguồn: Gia đình Việt Nam

Nguồn: Gia đình Việt Nam