Dòng sự kiện:

Cách 'đánh dấu' con để chống nhầm con khi đi đẻ ở bệnh viện

02:50 23/06/2016
"Cẩn tắc vô áy náy", để tránh bị nhầm con, nhiều cha mẹ đã có những cách riêng để "đánh dấu" con mới sinh.

Hiện nay, hầu hết tại các bệnh viện như bệnh viện phụ sản Trung ương, bệnh viện phụ sản Hà Nội, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Bưu điện… đều có những chiếc vòng gắn mã số giống nhau, tên mẹ và bé, ngày tháng năm sinh trên vòng… để đeo cho mẹ và bé ngay sau sinh. Việc của các bà mẹ là tỉnh táo để đối chiếu 2 mã số này giống nhau là được.

> Hai gia đình ở Thanh Hóa, Đà Nẵng tá hỏa vì nuôi nhầm con của nhau suốt 4 năm

Những chiếc vòng này cũng không thấm nước, chữ viết bằng bút không xóa được, vòng đeo vào chân bé cũng không tháo ra được mà phải dùng kéo cắt nên tránh được phần lớn nguy cơ trao nhầm con. 

Tại bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) áp dụng phương pháp da tiếp da ngay khi em bé được sinh ra, sau đó các y tá viết số lên đùi bé (về phải tắm vài lần mới hết), đeo vòng ghi đủ thông tin cả mẹ và bé, vòng đó không được tháo ra cho đến khi xuất viện.

Tuy nhiên trước nhiều sự việc được phát hiện gần đây như việc trao nhầm con như hai gia đình ở Đà Nẵng và Thanh Hóa bị nhầm con suốt 4 năm, trao nhầm con ở nhà hộ sinh cách đây 42 năm hay chuyện nuôi nhầm con suốt 29 năm khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo lắng, đặc biệt là các ông bố bà mẹ chuẩn bị chào đón con yêu ra đời.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn này và hậu quả để lại thì thật khôn lường. Dù là việc hy hữu nhưng thực tế không phải là không xảy ra. 

Theo Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TƯ, sản phụ và gia đình nên thực hiện 4 biện pháp sau để tránh nhầm con:

- Sản phụ cần khai đầy đủ thông tin, gồm họ tên, tuổi, địa chỉ gia đình, số điện thoại khi nhập viện.

- Dự kiến đặt tên con (tên con có thể ghi bằng bút mực không nhòe vào cơ thể bé).

- Luôn giữ đeo số cho mình và bé. Đối chiếu số của bé và mẹ sau mỗi lần tắm xem có trùng nhau không.

- Phối hợp với với BV để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Trong khi các sản phụ đẻ mổ thường phải xa con khoảng 3-6 tiếng thì các mẹ sinh thường được nằm cạnh em bé luôn cho đến khi ra gặp người nhà. "Cẩn tắc vô áy náy", để tránh bị nhầm con, nhiều cha mẹ đã có những cách riêng để "đánh dấu" con như:

- Ghi nhớ gương mặt con ngay khi con chào đời. Chụp ngay ảnh con lại khi con được đưa ra với bố. Tuy nhiên vì các bé mới sinh rất giống nhau, nếu chụp nguyên mặt chắc cũng hơi khó nhận ra nên bố mẹ có thể tháo luôn mũ trên đầu con để xem tóc con thế nào, nhiều hay ít. Cũng có thể tháo phần bao chân của con, nhìn thật kỹ hình dáng, rồi cả phần móng chân của con. Hoặc cha mẹ tìm những điểm đặc biệt trên cơ thể con rồi chụp lại. Khi bé được quay trở lại với gia đình, hãy mở ảnh để so cho chắc.

- Mang theo bút lông để đánh dấu vào chân con. Khi vừa chào đời, người ta chỉ vệ sinh sơ qua cho con nên sẽ không sợ bị mờ vết bút. Sau khi con được về với mẹ, mẹ sẽ đeo cho con chiếc vòng bạc có đặt sẵn mã số và một chiếc chìa khóa. Bố mẹ sẽ giữ chiếc chìa khóa này.

- Cẩn thận xem từng chi tiết trên người con. Chị cho biết đó là việc đầu tiên các sản phụ nên làm để hiểu rõ con mình và tránh nhiều trường hợp không may có thể xảy ra.

- Một số người còn nêu ý kiến là mang lọ sơn móng để đánh dấu vào móng tay, móng chân con. Hay cẩn thận hơn nữa là lấy vài sợi tóc của con, gói ghém cẩn thận để nhỡ đâu có nhận nhầm, hay linh tính thấy có điều gì đó còn có cơ sở để tìm lại con. Bố mẹ cũng nên xin số điện thoại của các mẹ cùng phòng đẻ.

Ngoài ra, một cách "ăn chắc" hơn cũng được các mẹ nghĩ đến ghi đầy đủ thông tin, bao gồm cả số điện thoại của bố mẹ vào một mảnh giấy và dán chặt vào lớp áo trong của con.

Quy trình sinh nở ở mỗi bệnh viện không giống nhau. Khi đăng ký sinh ở bệnh viện, thai phụ nên tìm hiểu kỹ quy trình sinh nở ở đó để tránh bỡ ngỡ và có các tránh nhầm con hợp lý nhất.

Linh An (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam