Dòng sự kiện:

Cách dạy con giỏi 2 ngoại ngữ ngược đời của bà mẹ 'xoàng' tiếng Anh

21:13 16/12/2016
23 tuổi vẫn chưa biết ngoại ngữ nào, hiện tại vẫn tự nhận khả năng ngoại ngữ của mình rất "xoàng" nhưng mẹ Minh An đã giúp con giỏi 2 ngoại ngữ nhờ cách thức cực kỳ thú vị...

Minh An khiến người lớn cũng phải choáng ngợp với khả năng giao tiếp như người bản địa bằng cả hai ngôn ngữ: tiếng Anh và tiếng Pháp. Kết quả đáng khâm phục của cô bé 8 tuổi giỏi hai ngoại ngữ này chắc chắn không phải tự nhiên có được, mà là một nút thắt trên chặng đường kiên trì, bền bỉ chinh phục đa ngôn ngữ của cả gia đình. Chị Phương Linh, mẹ của An đã chú trọng việc cho con thẩm thấu tự nhiên, sử dụng trực tiếp, cởi mở nhận thức tiếp nhận, không phân biệt ngoại ngữ hay “nội ngữ” để ngoại ngữ cứ thế ngấm vào con lúc nào không hay.

Biết xuất phát điểm của mình rất kém, chị Phương Linh đã chọn cách trở thành "học trò bất đắc dĩ" của con gái để đồng hành cùng con trên con đường học ngoại ngữ.

Mẹ của An dù đã cố gắng đến lớp học thêm, nhưng trình độ vẫn kém hơn An nhiều. Thế nên An rất háo hức, phấn khởi khi được là "cô giáo" của mẹ. An thường dạy mẹ phát âm, phân tích trọng âm của một từ hay đọc sách cho cả mẹ và em trai cùng nghe.

Chị Phương Linh không bao giờ kiểm tra bài tập về nhà của hai con, mà đến giờ học thì thường bảo các con vào học và lấy hết sách vở ra để... dạy mẹ. Mỗi tối, mẹ đều ngồi học cùng nên luôn có cơ hội để An được giảng bài cho mẹ. Chị Phương Linh quan niệm, nhờ những buổi cùng học chung như thế mà chị vừa học được điều mới và các con cũng có thể ôn lại kiến thức một cách rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, mỗi ngày cô giáo chủ nhiệm của các con đều gửi bài tập về nhà vào email cho bố mẹ, nên trong giờ học chung, mẹ Minh An thường “cài cắm” các câu hỏi theo nội dung mà cô giáo đã hướng dẫn vào để hỏi con. Mấy mẹ con nhờ vậy đều thoải mái, dễ chịu, cùng suy nghĩ câu trả lời mà không hề có một chút nào căng thẳng hay phải gay gắt với nhau cả.

Minh An rất thích thú khi được làm "cô giáo" của mẹ và em trai.

Đến nay, khi An đã 8 tuổi, vượt qua 6 năm sử dụng đồng thời tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt thì đã có thể tự học, tự chơi mà mẹ không phải hướng dẫn hay ngồi cùng nhiều nữa. Con vẫn rèn luyện khả năng đa ngữ của mình mỗi ngày thông qua đam mê đọc sách, xem phim, giao tiếp và viết nhật ký, làm đồ chơi... Minh An luôn coi những hoạt động này là giải trí, cùng thực hiện hào hứng với em trai, mà không hay rằng kho từ vựng, cấu trúc câu nhờ vậy đã vô tình tăng lên rất nhiều.

Mẹ Minh An chia sẻ, việc đồng hành cùng các con trong việc học bây giờ trở nên rất nhàn. Vì bố mẹ chỉ cần đóng vai trò giữ thời gian biểu, khuyến khích con mà thôi. Cả hai chị em An luôn tự giác ngồi vào bàn và thích thú khi cùng học, cùng chơi hay lâu lâu lại đi tìm mẹ để... giảng bài. Chị Phương Linh quan niệm, muốn con giỏi không phải là bắt con học thật nhiều mà cần nhất là một phương pháp tiếp thu thật tự nhiên, không áp lực để các con tự duy trì nếp tự học của mình.

Tự nhận xét về quá trình tiếp cận ngoại ngữ của con, chị Linh rút ra kết luận: "Có lẽ là nhờ quá trình học được bắt đầu từ sớm, hình thành và diễn ra từ tốn, tự nhiên, bền bỉ, không bị gián đoạn nên khả năng ngoại ngữ của các con tự nhiên tốt dần lên. Ngoài ra, việc học của An cũng không có bất cứ sự gượng ép về việc phải học như thế nào cả”. Chị để An tiếp xúc hoàn toàn một cách theo bản năng của đứa trẻ đang ở trong giai đoạn vàng từ 0-6 tuổi và không phân biệt tiếng mẹ đẻ với ngoại ngữ. An được học nói tiếng Anh song song từ lúc bắt đầu bi bô tập nói tiếng Việt. Vì vậy, mọi chuyện diễn ra khá tự nhiên.

Việc học ngôn ngữ dựa vào ưu thế nhận thức ngôn ngữ của trẻ nhỏ trong 6 năm đầu luôn được gia đình An chú ý và khích lệ. Giống như người Việt không dạy con nói tiếng Việt thì đến khoảng hơn 2 tuổi, các em bé cũng tự nhiên biết nói tiếng Việt rồi. Và chị Linh quan niệm rằng nếu tiếp xúc với tiếng Anh theo cách tương tự, thì kết quả con hình thành phản xạ giao tiếp được tiếng Anh cũng là điều dễ hiểu. Trẻ sẽ không có phân biệt nào cả, đơn giản chỉ là tiếp nạp theo bản năng. Và chỉ cần một số hướng dẫn cơ bản chuyên sâu sau 6 tuổi nữa là khả năng ngoại ngữ của con sẽ rất ổn.

Chị cũng hài hước thừa nhận thế hệ của mình từng thiệt thòi khi không được tiếp xúc với ngoại ngữ theo cách dễ dàng như vậy. Ấy thế nên đến tận năm 23 tuổi, chị vẫn chưa biết một ngoại ngữ nào. Đến hiện tại, tiếng Pháp của chị mới ở trình độ A2, tiếng Anh cũng chỉ được 3.5 IELTS, cả hai ngoại ngữ đều thua Minh An. Cái bản năng học ngôn ngữ như trẻ nhỏ khi ở lứa tuổi trưởng thành sẽ không còn nữa, nên sự tiếp nhận sẽ khiên cưỡng và khó mang lại kết quả cao hơn. Ngoại ngữ khi đó được coi như là HỌC chứ không phải là quá trình được thẩm thấu tự nhiên như với một đứa trẻ trong môi trường xung quanh giao tiếp bằng ngoại ngữ.

Nhưng có lúc chị Phương Linh lại coi đó như là một sự may mắn, vì nhờ vậy mà chị có thể được làm học sinh của con, được Minh An truyền đạt và giảng dạy lại những điều chưa hiểu. Dù rằng khả năng của “cô giáo” 8 tuổi luôn tiến nhanh hơn so với những gì “cô học sinh 29 tuổi” bất đắc dĩ học được, thì chị vẫn rất hạnh phúc và hài lòng. Vì đó luôn là điều chị tiên liệu được khi chọn cách làm học sinh của con, để con có thể ngày càng tiến xa hơn trên con đường chinh phục thật nhiều ngoại ngữ.

Trí thức trẻ

Nguồn: Gia đình Việt Nam


TAG