Dòng sự kiện:

Cách giúp trẻ vượt qua khủng hoảng tâm lý khi ngày đầu đi học

Theo Vietbao
07:36 05/09/2018
Đi học là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của con. Để con thích nghi tốt nhất với môi trường mới, mẹ cần chuẩn bị thật tốt tâm lý cho con và cho cả mình nữa.

Có thể nói, cho trẻ đi học mầm non là giai đoạn khiến các bố mẹ trẻ hoặc có con đầu lòng đau đầu nhất. Lần đầu tiên con rời xa vòng tay của bố mẹ, của những người thân trong gia đình, hòa nhập với môi trường mới sẽ khiến cho không chỉ con mà cả bố mẹ cũng bị “stress”.

Đi học con sẽ tiếp xúc với môi trường có nhiều điều mới lạ, nhiều bạn bè, nhiều thầy cô – những người lạ – do đó, trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, lạc lõng. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng bé có thể bị “sốc” tâm lý.

Có nhiều trẻ hợp tác ngay từ đầu, cũng có những trẻ đi học cả 6 tháng, 1 năm vẫn khóc. Thậm chí có trẻ còn đình công không ăn, không ngủ khi ở trên lớp. Điều này không chỉ khiến giáo viên mà phụ huynh cũng khó xử. Nhiều bố mẹ xót con thậm chí đã “đầu hàng” trước, đưa con về cho ông bà hoặc thuê người chăm sóc.

Để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn đầu đời này một cách nhẹ nhàng nhất, bố mẹ cần phải nắm bắt được tâm lý của trẻ mới đi học để chuẩn bị tâm lý cho con và cho mình.

Giới thiệu với con về trường học

Thông thường trẻ bắt đầu đi học mầm mon khi được 2-3 tuổi. Ở tuổi này con biết nhận thức, có thể nghe hiểu và hỏi khi có thắc mắc. Vì vậy bố mẹ cần thẳng thắn, nghiêm túc nói chuyện với con về việc đi học, không nói dối hoặc nói với con không đúng sự thực về trường học.

Bố mẹ nên nói cho trẻ biết con đã đến tuổi phải đi học. Trường học là nơi rất rộng, có cô giáo có nhiều bạn bè, có rất nhiều trò chơi và môn học thú vị. Con sẽ được dạy cách chơi đồ chơi, học vẽ, học múa, học hát…

Nếu con hỏi về cô giáo hay bạn bè những câu kiểu như: cô giáo có hiền không, có đánh con không?… thì cha mẹ hãy trả lời thẳng thắn, theo hướng tích cực như: Cô giáo không đánh con, nhưng nếu con không nghe lời, làm việc có lỗi với bạn như làm bạn khác đau… có thể cô sẽ phạt con giống như mẹ làm đó là úp mặt vào tường 1 lát, hoặc nhảy lò cò vòng quanh lớp… Bạn có thể nghĩ ra vài “hình phạt” vui vui để nói với trẻ, và đừng quên cười với con khi chia sẻ những điều đó.

Làm quen môi trường

Nhiều bố mẹ nói cho con đi học là cho đi luôn, bỗng dưng bị “bỏ lại” ở một nơi lạ lẫm khiến cho trẻ bị “sốc”.

Trước khi chính thức cho bé đi học, để tránh con bị “sốc”, bố mẹ nên dành thời gian dẫn bé đến trường làm quen với cô giáo và lớp học. Mẹ cho bé đến trường, chơi ở sân trường, quan sát lớp học và nói cho bé biết những điều bé có thể nhìn thấy ở đây. Đồng thời, mẹ cũng cổ vũ để bé làm quen, chơi với bạn và cô giáo.

Nếu được, mẹ có thể cho con vào lớp học lúc đầu giờ sáng và cuối giờ chiều để con biết một số hoạt động trong lớp học. Mẹ cùng bé học, chơi với cô giáo và các bạn trong lớp để bé tự tin hơn. Khi bé đã quen dần, mẹ có thể ngồi một chỗ hoặc đứng bên ngoài lớp để con tự chơi với các bạn.
Nói chuyện một cách hào hứng, thú vị sẽ khiến bé cảm thấy thích thú, tin tưởng và mạnh dạn khám phá môi trường mới. Nếu bé có biểu hiện không thích, mẹ nên đưa bé về, không ép buộc bé, tránh phản tác dụng.

Giúp con vượt qua thời kỳ “khủng hoảng”

Theo kinh nghiệm của các mẹ cũng như các cô giáo mầm mon, ngày thứ ba đi học và thứ 2 tuần tiếp theo, sau khi nghỉ chủ nhật sẽ là hai thời điểm con thể hiện thái độ bất hợp tác với việc đến lớp nhiều nhất.

Có thể ngày đầu, tuần đầu tiên con đi học rất ngoan, nhưng sau đó con đã biết phân biệt sự khác biệt giữa ở nhà và ở lớp, sự khác biệt giữa thầy cô và bố mẹ, giữa bạn bè và các anh chị,… Trẻ không hào hứng với môi trường mới nữa mà bắt đầu khóc, không muốn đi lớp, sợ đến lớp.

Có những bé sau giai đoạn này sẽ trở nên hợp tác và ngoan hơn. Có những bé không thích nghi được môi trường, vẫn khóc và quấy. Việc của bố mẹ là cần tiếp tục động viên con, và phải cứng rắn, không được mềm lòng trước tiếng khóc của trẻ.

Mẹ cũng cần rèn luyện cho bé quen với thời gian biểu sinh hoạt ở lớp. Như vậy, trẻ sẽ dễ thích nghi hơn, không sợ bị lệch “nhịp sinh học” dẫn đến những rắc rối về thể chất của trẻ.
Nói chuyện với con trước và sau buổi học

Khi sắp có bất kỳ sự thay đổi nào trong cuộc sống, bố mẹ cũng nên nói trước với con để con được chuẩn bị tâm lý. Trước khi cho bé đi học một ngày, bố mẹ nói chuyện với bé về việc ngày mai con sẽ bắt đầu đi học chính thức. Hãy nói chuyện một cách vui vẻ, nhẹ nhàng, thủ thủ với bé thật nhiều để bé hình thành suy nghĩ về việc mình phải đi học. Hãy trả lời tất cả những câu hỏi của trẻ, tạo cho trẻ sự háo hức, thú vị về những điều sẽ chờ đón trẻ ngày hôm sau để trẻ thấy đi học không có gì đáng sợ.

Buổi sáng, bố mẹ gọi con dậy, chuẩn bị cho con ăn sáng, đồ đạc mang theo và nói với trẻ về “sự kiện trọng đại” đang diễn ra. Có thể tặng con một món quà nhỏ, như một món đồ chơi hoặc một chú gấu bông để làm bạn đồng hành của con, sẽ ở bên cạnh con cả ngày thay cho mẹ.
Bố mẹ nhớ, đừng quên đón trẻ đúng giờ. Khi đón con, hãy khen con một vài câu vì hôm nay con có thể “chơi” ở lớp mà không có mẹ ở bên để con thấy con đã làm được một điều tuyệt vời, ngày mai con sẽ làm nó tốt hơn nữa.

Mẹ nên hỏi chuyện con xem ngày hôm nay thế nào, có điều gì thú vị không… không nên hỏi các câu kiểu như: con có khóc không, bạn có chơi với con không, cô có đánh con không…. Những câu hỏi này sẽ vô tình tạo những ấn tượng không tốt về lớp học đối với con.

Nếu bé khóc, mẹ nên ôm bé, làm cho bé bình tĩnh và vui vẻ trở lại, sau đó mới hỏi con xem vì sao con lại khóc. Mẹ cũng có thể tự hỏi và trả lời cho bé, chỉ cần con lắng nghe, ví dụ như: Sao con lại khóc? Con đã rất giỏi mà, con đã ở lớp ngoan cả ngày nè. Con khóc vì nhớ mẹ à? Có phải không? Mẹ cũng nhớ con. Ngày mai mẹ sẽ đón con sớm hơn được không? Mẹ với con cùng ra cầu trượt kia chơi nhé….

Trên đây là một vài điều bố mẹ cần chuẩn bị về mặt tâm lý để giúp con đi học được thuận lợi. Con được chuẩn bị tâm lý tốt sẽ hợp tác hơn, đi học ngoan hơn, bố mẹ cũng nhàn hơn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam