Dòng sự kiện:

Cách trị ho có đờm, viêm họng cho trẻ không cần kháng sinh

14:24 03/10/2016
Cách trị ho có đờm, viêm họng bằng cho trẻ bằng các loại thảo dược thiên nhiên có ngay xung quanh nhà bạn, không cần dùng đến kháng sinh độc hại.

Sức đề kháng yếu khiến trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp như sổ mũi, viêm họng, cảm cúm, sốt và đặc biệt là ho… khi thời tiết thay đổi. Khi bé gặp các triệu chứng này, cha mẹ không nên vội dùng kháng sinh, thuốc giảm ho cho trẻ. 

Khi bị mắc những căn bệnh này, trẻ thường hay bị nôn trớ, đau họng, chán ăn, ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng và cả tinh thần của trẻ.

Tìm cách khắc phục những căn bệnh thường gặp này là nỗi trăn trở của nhiều bậc cha mẹ. Ths.Bs Đặng Huyền Nga (BV đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội) mách các mẹ một vài phương pháp chữa ho dứt điểm cho trẻ mà không cần đến kháng sinh.

Trị ho có đờm, viêm họng bằng lá húng chanh


Trong Đông y, húng chanh có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, dùng để chữa ho, viêm họng, cảm cúm, hen suyễn, sốt… Dưới đây là một số bài thuốc trị cảm, ho, viêm họng, nhức đầu, sốt từ húng chanh.

Chữa ho đờm thông thường: Rửa sạch 15-16 lá húng chanh, 4-5 quả quất xanh và xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Thêm đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút và cho bé uống liên tục 1-2 lần mỗi ngày đến khi hết ho.

Chữa ho nhiệt, viêm họng, khàn tiếngRửa sạch và thái nhỏ 20g lá húng chanh tươi. Giã dập lá húng chanh với 20g đường phèn, sau đó trộn với 10ml nước sôi để cho ngấm, rồi gạn lấy nước cho trẻ uống ngày 2 lần.

Chữa cảm sốt, không ra mồ hôi: Sắc uống hỗn hợp 20g húng chanh, 15g tía tô, 5g gừng tươi, 15g cam thảo đất. Cho trẻ uống khi nước thuốc còn ấm để ra mồ hôi.

Chữa cảm hàn, ho, đau đầu, sốt không ra mồ hôi, miệng đắng: Sắc uống 15g lá húng chanh, 5g bạc hà, 8g tía tô và 3 lát mỏng gừng tươi. Cho trẻ uống ngày một thang.

Cảm cúm, cảm sốt, nhức đầu, nghẹt mũi: Húng chanh tươi nấu nước xông hoặc thêm gừng, hành để xông cho ra mồ hôi.

Cây rẻ quạt chữa viêm họng, viêm amidan, ho


Đông y cây rẻ quạt (xạ can) được xếp vào loại thuốc thanh nhiệt giải độc. Xạ can vị đắng, tính hàn, vào các kinh phế, can, có tác dụng trị đau hầu họng, trừ đờm, dịu ho. Xạ can hơi có độc. 

Cách dùng:

Lá rẻ quạt còn tươi (có thể dùng củ) đem phơi khô, rồi lấy độ 5-6 gr đem sắc (nấu) lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng kết hợp với 1 gr cam thảo, 1-2 củ sâm đại hành tươi, 1-2 lá mạch môn đem sắc chung để lấy nước dùng hết trong ngày.

Trường hợp bị viêm amidan, lấy 10 lá rẻ quạt tươi cho cùng một ít muối ăn giã nhuyễn, rồi cho vào 100 ml nước chín, trộn đều rồi dùng nước này ngậm vào buổi sáng và tối để súc họng (súc xong bỏ nước chứ không nuốt).

Tuy nhiên, cần lưu ý, không dùng cây rẻ quạt với phụ nữ đang mang thai, người cho con bú. Không lạm dụng quá nhiều việc nhai lá sẽ dẫn đến phồng rộp niêm mạc miệng. 

Lá hẹ và mật ong (hoặc đường phèn)


Lá hẹ từ lâu đã được coi là vị thuốc chữa ho hiệu quả. Lá hẹ có vị cay, hơi chua, hăng, tính ấm, tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Do đó, lá hẹ là một trong những thảo dược trị ho trẻ em được dân gian áp dụng nhiều.

Cách dùng:

Các mẹ chuẩn bị 5 – 10 lá hẹ, một lượng đường phèn, cho lá hẹ và đường phèn vào bát, hấp cách thủy sau đó chắt lấy nước cho bé uống. Mỗi lần cho bé uống khoảng 2-3 thìa cà phê, uống 2 lần/ngày. Đối với trẻ trên 1 tuổi có thể cho trẻ uống nước xay từ lá hẹ với mật ong, uống sống không cần hấp cũng được.

Các mẹ cũng có thể lấy 5 – 10 lá hẹ, 2 – 3 quả quất non, 1 nhánh hoa đu đủ đực (hoặc có thể thay bằng hoa hồng bạch), ½ thìa mật ong cho vào nồi cơm hấp, lấy nước cho bé uống ngày 1 – 2 lần.

Khánh Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam