Dòng sự kiện:

Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế

15:02 26/07/2016
Trẻ bị ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế rất phổ biến và mức độ nguy hiểm thế nào cha mẹ không lường trước được. Vậy cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế như thế nào?
Nhiệt kế là dụng cụ y tế mà hầu như nhà nào cũng có, dùng để theo dõi nhiệt độ cơ thể cho trẻ. Tuy nhiên dụng cụ này được làm bằng thủy tinh rất dễ rơi vỡ khiến thủy ngân trong nhiệt kế rơi ra. Nếu không biết cách xử lý kịp thời, trẻ có thể hít phải lượng thủy ngân này gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bài viết sẽ hướng dẫn các bạn cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế.

Trẻ bị ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế nguy hiểm thế nào?

Lý do dẫn tới trẻ bị ngộ độc thuỷ ngân rất nhiều, trong đó chủ yếu do trẻ nghịch cặp nhiệt độ và làm vỡ. Nhiều trường hợp trẻ ngộ độc thủy ngân do sự bất cẩn của người lớn. Chẳng hạn như, nhiều bậc cha mẹ có thói quen rất nguy hiểm là sử dụng nhiệt kế để đo nhiệt độ bình sữa. Nếu nhiệt độ bình sữa trên ngưỡng 40 độ C sẽ làm nhiệt kế giãn nở rồi vỡ, khiến thủy ngân hòa lẫn trong sữa của trẻ. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.

Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc do nhiệt kế thủy ngân

Thủy ngân là kim loại nặng tồn tại dưới 2 dạng: Kim loại và ion. Thủy ngân dùng cho nhiệt kế là loại kim loại ở thể lỏng, nó không tan trong nước nhưng có thể bốc hơi ở nhiệt độ phòng. Nếu trẻ nuốt phải thì sẽ không ảnh hưởng nhiều vì nó ít hấp thu qua đường tiêu hóa. Nhưng sẽ rất độc hại nếu trẻ hít thủy ngân vào phổi, hay thủy ngân nhiễm vào máu.


Nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc do nhiệt kế thủy ngân.

Trẻ hít phải thủy ngân gây ngộ độc sẽ có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ớn lạnh, khó thở, loét miệng, lơ mơ, nôn mửa… Ngộ độc thủy ngân gây ra bệnh mãn tính có thể gây viêm lợi, chảy nước miếng, rối loạn tâm thần, giật chân tay, hay quên, mất ngủ, tâm lý không ổn định, kém ăn, buồn bã…

Khi trẻ bị ngộ độc thủy ngân, các bậc cha mẹ cần hết sức bình tĩnh để tìm cách xử trí. Trường hợp trẻ uống phải sữa có lẫn thủy ngân, cha mẹ không nên cuống cuồng làm các biện pháp gây nôn như móc họng hay vỗ ngực cho con vì làm thế trẻ dễ sặc, thuỷ ngân tràn vào phổi khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Khi xảy ra ngộ độc thủy ngân, tốt nhất các bậc cha mẹ nên mau chóng đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất để được bác sĩ khám và đưa ra hướng điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của trẻ.

Cách phòng ngừa ngộ độc do nhiệt kế thủy ngân

Để tránh ngộ độc thủy ngân từ nhiệt kế, không gì bằng phòng hơn tránh. Các bậc cha mẹ không nên để những đồ hóa chất trong tầm tay của trẻ em, nhất là những nơi gần đồ ăn uống, những đồ chơi bắt mắt. Khi để những hóa chất đó phải có nhãn mác rõ ràng. 

Các bậc cha mẹ nên biết, thủy ngân không tan được trong nước nên khi nhiệt kế bị vỡ càng lau càng thành hạt nhỏ hơn. Không thể dùng các vật như khăn hay đồ nhựa để lau được thủy ngân.

Nếu cha mẹ thấy con mình nuốt phải một chất gì đó có thể gây ngộ độc, trước tiên hãy bình tĩnh. Nhớ đúng nhãn chai lọ đựng chất đó để báo cho bác sĩ rồi đưa trẻ đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Theo gia đình Việt Nam