Dòng sự kiện:

Chơi với con là biện pháp dạy con tốt nhất

Theo Người đưa tin
13:20 21/05/2018
Theo Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, khi nói đến trẻ em, chúng ta thường chỉ nghĩ đến một đứa trẻ chứ không cần biết trẻ ấy đang ở vào độ tuổi nào. Trong khi khả năng giao tiếp và phản ứng của mỗi một lứa tuổi là khác.

Vì thế khi muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm gì khi con ăn vạ thì không phải là tìm ngay giải pháp. Người chọn cách phớt lờ, quan tâm hoặc đánh lạc hướng hoặc giải thích, lắng nghe, bình tĩnh, kiên quyết. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải biết rằng con mình lúc đó được bao nhiêu tuổi tâm lý và quan trọng hơn là cái lý do tại sao trẻ lại ăn vạ. Ngoài ra, còn 1 yếu tố cũng quan trọng không kém đó là tính cách của trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh không biết làm gì khi con khóc, ăn vạ (Ảnh minh họa). 

Một trẻ hướng nội, nhút nhát, thụ động sẽ có cách ăn vạ khác với một trẻ hướng ngoại, năng động và bướng bỉnh…Để từ đó, tùy vào độ tuổi phát triển tâm lý, theo tính cách và tùy vào nguyên nhân đã gây ra “cơn bão của âm thanh và nước mắt” mà bố mẹ có thể đưa ra những biện pháp thích hợp để tác động.

“Thế nào là 1 biện pháp thích hợp? Nhiều bố mẹ chịu khó lôi hết các chiêu của chuyên gia đã “vẽ” cho để vận dụng theo kiểu thử sai, nhưng hầu như là áp dụng không đúng cách. Để rồi cuối cùng là vẫn nổi điên lên, đập cho con một trận là xong, hoặc chỉ cương quyết độ 1 – 2 tiếng, rồi sau đó là chịu thua, cho cái trẻ đòi cho xong chuyện. Lâu dần, cho đến một thời điểm khi trẻ đã "leo lên đầu" mình rồi và trở nên “chuyên gia ăn vạ” lúc đó mới chịu vác tới các “chuyên gia trị liệu” để liệu mà trị cho con.

Vì vậy, chúng ta nên biết rằng, các thói quen đều xuất phát từ các hành vi lặp đi lặp lại. Việc ăn vạ, hay thói quen ăn vạ cũng thế, không có gì từ trên trời rơi xuống mà hành vi đó, thói quen đó thường do chính chúng ta đã “tập huấn” cho trẻ từ khi trẻ còn là một em bé sơ sinh !

Hãy nhớ lại – khi trẻ còn nằm ngửa, mút tay và khóc ré lên, chúng ta sẽ ôm ngay bé vào lòng, ấn núm vú vào miệng… Nếu đúng là trẻ đang đói, thì bé có thể nín nhưng nếu không đói, thì trẻ còn khóc nhiều hơn, trong khi bà mẹ cứ nhất quyết cho con bú bằng được. Hai là trẻ vẫn khóc và bà mẹ cho bé lên võng lắc cho đến khi nào chóng mặt quá bé đành nín, nhưng không “tâm phục – khẩu phục” chút nào! Tiến trình đó cứ thể mà tiếp diễn ngày này qua ngày khác, cho đến khi trẻ hình thành một tư duy là cứ phải giải quyết mọi nhu cầu bằng sự gào khóc mới có kết quả! Thế là một chuyên gia ăn vạ đã chuẩn bị…hình thành.

Ngoài việc hình thành thói quen do mẹ không hiểu ý con, thì còn một nguyên nhân dẫn đến ăn vạ là do trẻ có quá nhiều người quan tâm và mỗi người lại quan tâm một kiểu. Bố - mẹ có sự quan tâm khác nhau , ông – bà cũng quan tâm đến trẻ nhưng lại theo một kiểu khác. Khi ấy, trẻ sẽ không biết theo ai, thôi cứ lăn đùng ra là xong tất ! Nhưng kiểu quan tâm nào cũng có một điểm chung đó là sự chiều chuộng và áp đặt”, chuyên viên tâm lý Lê Khanh phân tích.

Từ hai nguyên nhân trên, theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh, mỗi con người – mỗi đứa trẻ là một cá thể, là một “thế giới” khác nhau – hãy luôn luôn quan sát, lắng nghe con với một sự tỉnh táo, bình tĩnh để biết rõ về “đối phương”. Cần biết rõ tính cách, năng lực, khả năng phát triển theo độ tuổi của trẻ để từ đó hình thành cho trẻ những thói quen tốt và phù hợp một cách tự nhiên.

Các ông bố bà mẹ đừng “xoắn lên” khi con ở trong giai đoạn vàng, để “dồn dập giáo dục” với một cái "lẩu thập cẩm" quy tụ nhiều nguyên tắc của các nước trên thế giới. Hoặc lại quá mải mê làm ăn, buôn bán, học hành để quên mất một công việc quan trọng nhất trên đời của bố và mẹ : Đó là biết chơi với con!

“Chúng ta hãy thử bỏ ra một vài giờ trong ngày – sáng trưa, chiều, tối…lúc nào cũng được, miễn là lúc ta rảnh rang và chơi với trẻ một cách nhiệt tình – Một đứa trẻ thích chơi với bố mẹ theo một nhịp điệu và mức độ vừa phải mỗi ngày, một đứa trẻ vui vẻ và thoải mái khi được cùng chơi với bố mẹ. Bằng những trò chơi tương tác để hiểu nhau và tôn trọng lẫn nhau, thì khả năng và thói quen ăn vạ sẽ khó hình thành !

Đừng ôm ấp, đừng làm thay, đừng chiều chuộng cũng đừng bỏ rơi, đừng nghiêm khắc, đừng lạnh lùng! Khi đối diện với con trẻ, hãy trở thành người bạn vui vẻ của con, khi chăm sóc trẻ hãy là người bảo mẫu tận tâm và khi dạy dỗ trẻ hãy là một người thầy kiên quyết”, Chuyên viên tâm lý Lê Khanh chia sẻ.

Và cuối cùng, làm cha mẹ rõ ràng không phải là chuyện đơn giản, "sinh con rồi mới thành mẹ". Khi ấy, mỗi bà mẹ cần biết quan tâm, học hỏi ngay từ khi đứa con của mình còn bé, với những nguyên tắc đơn giản và thực tế, đừng để con hình thành các thói quen xấu. Biết chơi với con là biện pháp tốt nhất để dạy con, bởi vì trẻ học qua chơi và phát triển cũng qua các trò chơi.

Nguồn: Gia đình Việt Nam