Dòng sự kiện:

Chuyện cậu bé "vượt hơn 100km vì tình thân" dưới góc nhìn chuyên gia

Theo GDTĐ
08:45 30/03/2019
Mấy ngày qua, các diễn đàn mạng xã hội đang xôn xao với câu chuyện cảm động của cậu bé 13 tuổi, một mình cùng chiếc xe đạp mất phanh cũ kỹ từ Sơn La về Hà Nội để được gặp bố mẹ và thăm em trai ốm.

Hành trình của yêu thương

Do đâu mà Vì Quyết Chiến, 13 tuổi, dân tộc Thái, sống ở Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La dám đạp chiếc xe cà tàng vượt hàng trăm km?

Cậu bé này có lẽ chưa thể hình dung được khó khăn, nguy hiểm với hành trình của mình. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy hành động này thể hiện sự liều lĩnh của em. Tuy nhiên, tình cảm luôn có lý lẽ riêng của nó. Em vượt qua mọi khó khăn, những lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc thì em lại cố gắng chỉ để thực hiện mục tiêu là "gặp bố mẹ và thăm em trai đang chữa bệnh tại Hà Nội".

Một đứa trẻ 13 tuổi, trước đây, hàng ngày chỉ đạp xe quãng đường 4km từ nhà đến trường rồi về, từ bé chưa ra khỏi nơi ở, không biết đường xuống Hà Nội ra sao nên cứ đi thẳng đường lớn, vừa đi vừa hỏi. Chiến đi được quãng đường hơn 100km, đến địa phận tỉnh Hoà Bình thì ngất lịm giữa đường vì mệt, đói, khát.

May mắn, một tài xế ngang qua nhìn thấy đã đỡ cậu bé dậy, cho ăn uống rồi đưa cả Chiến cùng xe đạp lên ô tô của mình rồi chở cậu bé đến Bệnh viện Nhi T.Ư gặp bố mẹ và em trai.

Hãy coi đây như một bài học nhiều giá trị

Hành động của Vì Quyết Chiến xuất phát từ tình cảm với em trai. Cậu bé thực sự đã vượt qua quãng đường hơn 100 km đường đèo núi, trắc trở, không xu dính túi vì tình ruột thịt.

Tuy nhiên, sự “liều mình” của Chiến cũng khiến không ít người "nổi da gà" khi nghĩ đến vô vàn bất trắc cậu bé có thể gặp phải trên hành trình đó. Và thực tế là em đã bị ngất lịm vì mệt, đói, khát song rất may mắn là được phát hiện, cứu giúp kịp thời.

 Cậu bé đã gặp được bố mẹ và em trai nhờ lòng tốt của nhiều người

Từ câu chuyện này, chúng ta có thể rút ra một số bài học quý giá, trong đó có bài học về tình yêu thương, ruột thịt bất chấp mọi hiểm nguy và bài học về lỗ hổng trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô giáo Hứa Thu Huyền - Hiệu trưởng trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội): "Tôi xem câu chuyện khá đặc biệt và hiếm hoi này cũng đáng khen em Chiến ở góc độ em là một người anh, người con ngoan, biết yêu thương chăm sóc, lo lắng cho những người thân trong gia đình, nhưng do cách giáo dục đạo đức một chiều nên em chưa thể ý thức được hết.

Qua câu chuyện này, gia đình, nhà trường hãy nhìn nhận lại, cùng phân tích, hướng dẫn thêm các em về kỹ năng sống, về cách ứng phó hợp lý, hợp tình trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Từ góc độ chăm sóc và bảo vệ trẻ em, điều tối quan trọng là phải giáo dục cho các em kỹ năng sống chứ không phải là “đề cao” những hành động liều lĩnh, mất an toàn.
TS. Vũ Thu Hương

Người lớn không nên trách em quá liều lĩnh, coi thường tính mạng của bản thân...vì em chưa phải người trưởng thành. Đó là tình cảm, không giải thích được, nó thôi thúc và tạo sức mạnh tinh thần cho người ta vượt mọi khó khăn. Vì vậy sau chuyến phiêu lưu tình cảm kì diệu của em Chiến, chúng ta nên phân tích, góp ý cho em và qua đó những người lớn như chúng ta cũng rút ra được bài học quý báu có lẽ chưa có trong tài liệu chính thống nào..."

Cũng đừng trách gia đình em khi bố mẹ em đang chăm em nằm viện, em thương bố mẹ và em của mình nên hành động theo cảm tính và lý trí ... Dù sao thì em đã làm được điều kỳ diệu và em đã gặp rất nhiều may mắn. Xã hội cũng nhiều người tốt và có tâm lắm. Bác phụ xe, bác tài và hành khách trên chuyến xe đó vô cùng tử tế và tốt bụng, người lớn sống tốt và giáo dục trẻ tốt thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Chúng ta không nhìn nhận đánh giá mọi sự việc qua lăng kính màu hồng, nhưng cũng không nên quá lo nghĩ và chỉ nhìn thấy những vấn đề tiêu cực, những cái xấu xa, ác hiểm, nhìn đâu cũng toàn màu tối ...làm cho mọi người và lớp trẻ thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin và tin tưởng...

Từ góc nhìn của một chuyên gia Giáo dục, TS. Vũ Thu Hương cho rằng: Câu chuyện cảm động của em Chiến cho chúng ta ý thức thêm một khía cạnh quan trọng về lỗ hổng giáo dục giới tính. Vấn đề GD kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức trong các nhà trường, thế nên lớp trẻ vô cảm, vô tâm và thiếu kỹ năng sống, bị phạm tội, bị xâm hại ...đang là hiện tượng đáng báo động.

"Trẻ con tình cảm là hết sức đáng yêu. Tuy nhiên, tuổi 13 đã khá lớn. Với lứa tuổi này, các con chắc chắn phải được biết về luật lệ, pháp luật và các vấn đề khác. Vậy nhưng, cậu bé này đã cư xử khá thiếu kỷ luật.

Ngoài ra, mặc dù con đã có một số kĩ năng sống cơ bản, kĩ năng xử lý vấn đề. Nhưng rõ ràng việc con làm đã thể hiện rõ là con vẫn còn suy nghĩ quá thơ ngây, thiếu chín chắn. Chúng ta cần dạy trẻ biết yêu thương nhưng hành xử phải sáng suốt, dùng cảm nhưng đừng quá liều lĩnh." - TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Nguồn: Gia đình Việt Nam