Dòng sự kiện:

Chuyên gia chỉ cách loại trừ tình huống hút mỡ bụng xong mới biết đã... có thai

Theo Gia đình xã hội
08:02 09/11/2019
Mới đây, thông tin một phụ nữ sau 1 tháng hút mỡ bụng mới phát hiện mang thai hơn 8 tuần khiến nhiều người lo lắng chuyện làm sao để loại trừ tình huống éo le này.

Nhiều người thắc mắc việc phát hiện thai sớm rất khó, thường chỉ phát hiện khi thai được 4-6 tuần, bản thân bệnh nhân không biết để cung cấp thông tin cho bác sĩ, liệu có cách nào để loại bỏ tình huống này?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. BS Nguyễn Đình Quân, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương).

BS Quân tư vấn làm đẹp cho nữ bệnh nhân

Quy trình hút mỡ bụng được diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?

Hút mỡ bụng

Là phương pháp mang lại vẻ đẹp vòng 2 tương đối an toàn, nhưng các khách hàng có nhu cầu cần lưu ý, đây là một phẫu thuật chỉ được thực hiện trong bệnh viện, bởi các bác sĩ có chứng chỉ, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Đó là quy định.

Bệnh nhân phải được khám tiền sử bệnh lý nội - ngoại khoa, dị ứng thuốc, dùng thuốc, khám các vấn đề như vết mổ trên thành bụng, có chống chỉ định với vấn đề gì hay không.

Bác sĩ cũng đánh giá mức độ thừa của thành bụng để có hướng can thiệp là hút mỡ hay phẫu thuật tạo hình thành bụng.

Sau khi được khám, xét nghiệm đủ điều kiện cho cuộc phẫu thuật, bệnh nhân phải nhập viện, được gây mê, hút mỡ. Sau khi kết thúc việc hút mỡ, bác sĩ phải ép toàn bộ dịch thừa ra ngoài, bệnh nhân mặc quần áo định hình rồi đưa về buồng hậu phẫu chăm sóc trong 1-2 ngày mới được ra viện.

Với tất cả bệnh nhân hút mỡ bụng, chúng tôi đều lưu ý rất rõ ràng: Bệnh nhân phải xác định đây là phương pháp cải thiện vòng 2 nhưng không thay thế chế độ ăn, tập luyện - hai yếu tố này vẫn là quan trọng nhất.

Muốn hút mỡ bụng, bệnh nhân ngoài việc có nhu cầu, phải lựa chọn cơ sở uy tín, được cấp phép, khai báo và cung cấp thông tin cá nhân, tiền sử bệnh tật cho bác sĩ biết để có thêm chỉ định phù hợp.

Để biết cơ sở thẩm mỹ viện có được cấp phép, có bác sĩ chuyên môn hay không, rất đơn giản. Bất kỳ một thẩm mỹ viện nào, dù biển quảng cáo có hoành tráng ra sao, nếu có giấy phép hoạt động sẽ treo bảng nhỏ ghi rõ: Phòng khám chuyên khoa (da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ) có ghi giấy phép hoạt động, người phụ trách chuyên môn. Điều đó là bắt buộc với phòng khám có phép.

Bệnh nhân khi đi làm đẹp cũng được yêu cầu bác sĩ cho mình xem chứng chỉ hành nghề, phòng khám có được phép thực hiện dịch vụ đó không.

Tôi cũng nhấn mạnh lại là tất cả phẫu thuật có gây mê phải thực hiện trong bệnh viện, đó là quy định của Bộ Y tế. Các phòng khám có phép ở ngoài, chỉ được làm thủ thuật nhỏ. Hút mỡ, tạo hình thành bụng, nâng ngực... buộc phải làm trong bệnh viện.

Sau khi đã can thiệp, bệnh nhân phải tuân thủ quá trình chăm sóc, tập luyện, ăn uống do bác sĩ hướng dẫn, đúng lịch khám lại.

Vậy người mang thai có nên hút mỡ bụng hay không?

Chúng tôi cho rằng không nên bởi nhiều lý do. Khi mang thai, các bác sĩ dùng thuốc gây tê, gây mê. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, các thuốc có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây những đột biến cho thai mà mình không biết.

Khi hút mỡ bụng gây mê, thuốc gây mê có tác dụng làm giảm lưu lượng máu của người mẹ, giảm lưu lượng máu đến bào thai, nếu càng kéo dài càng ảnh hưởng đến bào thai và vấn dề thông khí của người mẹ. Người ta đã tính toán, ngoài ảnh hưởng sự phát triển, sau này còn có thể khiến trẻ bị tự kỷ, trầm cảm…

Ngoài ra, mỡ tích luỹ trong quá trình mang thai có nhiều mục đích. 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ hấp thu kém, không đủ bù năng lượng cho trẻ phát triển. Lượng mỡ tích luỹ trong quá trình mang thai còn cung cấp năng lượng cho mẹ sau sinh để sản xuất sữa. Nếu hút mỡ bụng sẽ ảnh hưởng vấn đề này.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có cách nào để loại trừ trường hợp không biết bệnh nhân mang thai hút mỡ bụng?

Trong bệnh viện chúng tôi, các bác sĩ phải thăm khám kỹ theo quy trình chặt chẽ. Khi bệnh nhân đến, chúng tôi làm các xét nghiệm sàng lọc, siêu âm ổ bụng, tử cung cho phụ nữ, test beta HCG để xem bệnh nhân có thai không.

Quan trọng nhất là khai thác tiền sử chu kỳ kinh nguyệt của bệnh nhân. Ngoài việc phát hiện có thai hay không, trong quá trình phẫu thuật còn có thể chảy máu. Do đó, chúng tôi không tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân ở cuối chu kỳ kinh nguyệt. Các bác sĩ thường sẽ đợi bệnh nhân sạch kinh, đảm bảo bệnh nhân không có thai chắc chắn, vừa đảm bảo an toàn chảy máu trong và sau phẫu thuật.

Nhiều người lo lắng việc hút mỡ bụng sẽ làm giảm độ dày của mỡ, khiến "ngôi nhà" của thai nhi bị mỏng đi, gây nguy hiểm cho sự phát triển, bác sĩ đánh giá ra sao?

Quá trình hút mỡ có đặc điểm hơn phương pháp khác (ăn uống, tập luyện) là giảm, làm chết tế bào mỡ nên tế bào mỡ (ở vùng được hút) sau khi mất không tái sinh. Nhưng thường bác sĩ chỉ hút một bộ phận chỗ này chỗ kia, không ai hút toàn thân, nếu vẫn ăn uống thả phanh, mỡ sẽ tích luỹ ở các bộ phận khác. Ví dụ: nếu hút mỡ bụng xong, ăn uống không kiểm soát sẽ lên mỡ đùi, mỡ bắp tay…

Việc hút mỡ, tôi nhắc lại có 3 nguy cơ: Cấp máu cho bào thai, thông khí của người mẹ và tích luỹ mỡ cho thời kỳ 3 tháng cuối và sau sinh.

Nếu chỉ hút mỡ đơn thuần, không liên quan đến phẫu thuật tạo hình thành bụng, thì sẽ không ảnh hưởng quá trình phát triển thai nhi. Đó là do, để chống đỡ, bao bọc cho thai nhi là thành bụng, tử cung, sau khi hút mỡ, cơ thành bụng vẫn giãn ra bình thường, chỉ số lượng tế bào mỡ giảm, nên nói có ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi hay không thì không ảnh hưởng.

Nếu có nguy cơ là xảy ra trong khi can thiệp phẫu thuật tại thời điểm đó. Tức là bác sĩ làm các động tác hút mỡ trên thành bụng, tác động vào thành bụng, tử cung, gây co thắt, sảy thai. Còn nếu hút mỡ xong rồi thì không có nguy cơ lên thai nhi nữa.

Nguồn: Gia đình Việt Nam