Dòng sự kiện:

Chuyên gia Montessori chia sẻ giải pháp hạn chế cảm xúc tiêu cực của trẻ

Theo VNM - PL.XH
08:18 08/04/2017
Là chuyên gia Montessori, đồng thời là một người mẹ, chị Nguyễn Thắm đã có những trải nghiệm thú vị về việc giáo dục con, đặc biệt là chị biết mình phải làm gì khi trẻ thể hiện những cảm xúc tiêu cực.

Chị Nguyễn Thắm hiện đang là Giáo viên Montessori cho trẻ từ 0 – 6 tuổi của Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ. Chị cũng đã có chứng chỉ Master NLP của Hiệp hội ABNLP - tổ chức uy tín và lớn nhất đào tạo và cấp chứng chỉ NLP của Mỹ. Diễn giả của chương trình “Hành trình làm cha mẹ” đã được tổ chức 12 lần khắp các tỉnh thành từ Hà Nội tới Hà Tĩnh được rất nhiều các phụ huynh yêu mến.

Là một giáo viên Montessori có nhiều kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế, chị Nguyễn Thắm hiểu rất rõ tầm quan trọng của giáo dục gia đình, đặc biệt là việc thống nhất giáo dục giữa gia đình và nhà trường ra sao đối với sự phát triển của trẻ.

Chị Nguyễn Thắm bên con gái nhỏ của mình. (Ảnh NVCC)

Cùng trò chuyện với người mẹ trẻ, đồng thời là chuyên gia Montesssori, để tìm thêm được nhiều giải pháp hữu ích trong việc hạn chế cảm xúc tiêu cực ở trẻ.

- Chào chị, bé nhà chị mấy tuổi rồi? Bé có tính cách như thế nào?

- Mình có một bé gần 6 tuổi. Bé khá tự tin, cá tính, tự lập và dễ dàng thích nghi với môi trường mới.

- Bé nhà chị có thường bộc lộ cảm xúc tiêu cực không?

- Mọi người thường hay nói đến cảm xúc tiêu cực. Đây là 1 từ chung miêu tả các cảm xúc của con người như: buồn bực, tức giận, nổi nóng, chán ghét, sợ hãi, nhút nhát. Còn cảm xúc tích cực như: hạnh phúc, hưng phấn, vui vẻ, tự tin...

Cảm xúc tiêu cực và tích cực luôn hiện hữu trong mỗi con người như 1 điều tất yếu: có trái thì mới có phải, có đúng và có sai, có trên và có dưới, có trước và sau. Ta thấy mọi sự vật hiện tượng đều luôn có tính 2 mặt. Thế nên, nói đến cảm xúc tiêu cực, chúng ta hiểu nó cũng như một cảm xúc tất yếu cần có ở mỗi người. Khi đó, chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực về cảm xúc tiêu cực. Chấp nhận nó như một điều tất yếu của cuộc sống. Với bé nhà mình cũng vậy, bạn ý cũng có những cảm xúc tiêu cực, và vẫn thường xuyên bộc lộ ra ngoài chứ.

- Chị đã ứng xử như thế nào, cách xử lý ra sao khi con như vậy?

- Tôi có 2 nguyên tắc trong việc xử lý cảm xúc tiêu cực của con:

  • Nguyên tắc 1: Giữ cái đầu lạnh và một trái tim nóng

Vì trên thực tế, chúng ta giao tiếp với nhau không chỉ bằng ngôn ngữ, lời nói mà còn bằng cả năng lượng.

Bạn đã bao giờ thấy, khi vợ chồng giận nhau, có khi cả 2 không nói gì, nhưng người kia cũng biết đối phương đang giận, và cũng có cảm giác khó chịu chưa?

Với trẻ con cũg vậy, nếu khi con tức giận, mình thường tỏ ra bình tĩnh hơn bất cứ khi nào, và vui vẻ để truyền năng lượng tích cực cho con, thì cảm xúc của con sẽ nhanh chóng biến mất.

  • Nguyên tắc 2: Không bao giờ phê bình con trước mặt người khác, dù đó là người thân thiết.

Nếu con có vấn đề gì, thì hai mẹ con sẽ đưa nhau ra một chỗ để nói chuyện riêng. Thông thường mình hay nói chuyện trước khi đi ngủ với con về sự việc hôm đó bằng các câu chuyện.

Nói chung, có vấn đề gì mẹ quan sát được ngày hôm đó, thì mẹ sẽ giải quyết luôn. Và những lần sau gặp trường hợp tương tự, mẹ chỉ cần nhắc gợi lại câu chuyện, con sẽ tự biết mình phải làm gì. Đó là cách mình hay sử dụng khi con có bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào.

Chị luôn khéo léo và linh hoạt khi giáo dục và nuôi dạy con. (Ảnh NVCC)

Theo chị nguyên nhân nào khiến trẻ thường xuyên có cảm xúc tiêu cực?

- Thông thường chúng ta chỉ biết được nguyên nhân trẻ học từ người lớn, bố mẹ, bạn bè hay môi trường xung quanh, mà không biết được, nguồn gốc từ tiềm thức của trẻ, mà tiềm thức lại được hình thành từ:

1. Tiền kiếp: có rất nhiều bố mẹ, tính cách rất nhẹ nhàng, môi trường xung quanh cũng rất tuyệt, nhưng con cũng vẫn thường xuyên có cảm xúc tiêu cực. Bởi những cảm xúc tiêu cực cũng bắt nguồn từ những tiềm thức từ kiếp trước của trẻ.

2. Trong quá trình mẹ mang bầu: Mọi cảm xúc của người mẹ trong quá trình mang thai đều truyền được sang con. Nếu mẹ trong quá trình mang bầu thường xuyên tích cực, hay tiêu cực, thì sẽ truyền sang con như vậy.

3. Sau khi sinh: trong giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ học một cách vô thức từ môi trường, người lớn, hay giáo viên, bạn bè...

Nếu bố mẹ thường xuyên nổi nóng, tức giận hay đánh con, thì trẻ cũng sẽ như vậy. Hoặc nếu bố mẹ không như vậy, nhưng cô giáo, bạn bè hay môi trường xung quanh, thì trẻ cũng tự học được điều này.

Ngoài cảm xúc tiêu cực, còn có những niềm tin giới hạn, suy nghĩ tiêu cực, mâu thuẫn nội tâm. Nếu ví trẻ là mặt trời, thì đó là 4 đám mây che mất ánh sáng của mặt trời. Càng lớn lên, nếu như những đám mây đó không được xoá bỏ, thì nó cứ ngày càng dày lên, và hạn chế khả năng của trẻ.

Vì vậy việc của bố mẹ không phải là hạn chế cảm xúc tiêu cực ở trẻ, mà học cách xoá bỏ nó. Thông thường thì ngày nào trẻ cũng có những cảm xúc tiêu cực, chúng ta cũng thế. Và cứ xoá đám mây này, thì ngày mai lại có đám mây khác, việc của chúng ta là xoá bỏ nó mỗi ngày.

- Bố mẹ phải làm thế nào để giúp trẻ quản lý cảm xúc?

- Có 3 yếu tố tạo nên cảm xúc:

1. Sự tập trung: Khi ta tập trung đến cái gì thì cái đó thường nở ra to hơn. Nên khi ta tập trung vào điều tiêu cực, thì vấn đề tiêu cực đó cũng sẽ nở to ra. Vì vậy, việc của bố mẹ là có cái nhìn tích cực về vấn đề trẻ đang gặp phải, để truyền năng lượng tích cực sang cho con. Thì cảm xúc tiêu cực đó cũng nhanh chóng biến mất.

2. Ngôn ngữ: Sử dụng ngôn ngữ tích cực để nói chuyện với trẻ, giải thích cho con hiểu. Những trẻ 0-3 tuổi, thì chúng ta dùng ngôn ngữ đơn giản, ngắn gọn dễ hiểu kèm theo thái độ, cử chỉ, nét mặt để giao tiếp với trẻ.

Với những trẻ 4 tuổi trở lên thì kể những câu chuyện ẩn dụ: những câu chuyện đó có thể là chuyện có thật hoăc chỉ là chuyện bịa có liên quanđến tình huống của trẻ để trẻ tự rút ra bài học cho mình.

Lưu ý khi kể chuyện ẩn dụ cho con, là câu chuyện phải có kết thúc có hậu, hay tạo cảm giác tích cực cho con. Tránh những câu chuyện gây ra cho trẻ cảm xúc tiêu cực, hay những câu chuyện có máu me, chết chóc...

3. Thay đổi trạng thái cơ thể:

- Nếu như trẻ đang ngồi, hay cho trẻ đứng dậy hoặc bế trẻ lên quay 1 vòng hoặc làm bất cứ động tác nào, để thay đổi trạng thái cơ thể của trẻ. Chúng ta thấy, khi buồn, thì người ta cũng hay có tư thế dáng ngồi như: khom lưng, bó gối, hay cúi mặt xuống đất... Còn khi vui người ta thường có dáng: thẳng lưng, mặt ngẩng lên cao.

Trạng thái cơ thể cũng tác động rất mạnh đến cảm xúc, chỉ cần thay đổi trạng thái, là mọi thứ sẽ thay đổi nhanh chóng theo.

Vì vậy, để giúp trẻ quản lý được cảm xúc tiêu cực, việc của bố mẹ là:

Giúp trẻ tập trung vào điều tích cực trong vấn đề đó: chúng ta không thể thay đổi được vấn đề, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách nhìn với vấn đề đó. Cái gì cũng có tính 2 mặt, và việc của bố mẹ là giúp con thấy mặt tích cức của vấn đề đó.

  • Sử dụng ngôn ngữ tích cực
  • Thay đổi trạng thái cơ thể của trẻ: có thể gợi cho trẻ tư thế đứng như siêu nhân và trẻ làm theo. Trẻ sẽ thay đổi được cảm xúc tích cực ngay lập tức.

Ví dụ: khi thấy con đang cáu kỉnh về 1 việc gì con không làm được, mình thường nói với con: " Đây là cơ hội để con rèn luyện tính kiên trì đấy. Con là cô bé kiên trì. Kiên trì, kiên trì rồi sẽ thành công." và giơ tay 2- five với con và nói " Mẹ tin con làm được."

Đơn giản vậy thôi, bạn ý sẽ nhanh chóng giải quyết được cảm xúc của mình. Và lần tới, trong tình huống tương tự, con thường tự nói " kiên trì, kiên trì rồi sẽ thành công".

Chị Nguyễn Thắm trong chương trình "Hành trình làm cha mẹ". (Ảnh NVCC)

- Theo chị, khi con trải qua những cảm xúc tiêu cực, con sẽ trưởng thành như thế nào?

- Cảm xúc tiêu cực có thể nói là một trong những cảm xúc cần phải có để giúp mỗi người trưởng thành hơn mỗi ngày. Phải có lúc buồn, thì con mới hiểu thế nào làm niềm vui. Và thông thường thì ngày nào với bé nhà mình cũng có những cảm xúc như thế, việc của mẹ là phát hiện và xoá bỏ nó hàng ngày. Và dần dần, con càng ngày càng tự tin và tự lập hơn khi ở lớp cũng như ở nhà.

Bé nhà mình cũng quen với việc mẹ dạy cho những bài học về kỹ năng như vậy, nên khi gặp vấn đề gì ở lớp, bạn về lại hỏi mẹ, ví dụ "mẹ ơi, hôm nay các bạn trêu con, mẹ dạy con cách xử lý thế nào đi", tất nhiên mẹ cho bạn cách giải quyết.Hôm sau khi đến lớp, nếu bị bạn trêu, và cách xử lý của con khác với ngày hôm trước, thì mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Con tự tin hơn. Về nhà lại khoe ngay với mẹ là hôm nay con đã làm thế nào. Việc của mình chỉ là đồng hành, phát hiện và giúp con có những kỹ năng sống, để con tự lập, tự tin và sống hạnh phúc hơn mỗ ngày vậy thôi!

- Cảm ơn chị rất nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm quý báu.

Nguồn: Gia đình Việt Nam