Dòng sự kiện:

Cô giáo dạy học sinh cá biệt: “Cô chưa từng biết dạy cho tới khi gặp em"

21:00 20/11/2019
“Em mới chính là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi, suy nghĩ khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp em”…

Bài học niềm tin từ cậu học sinh “cá biệt”

Cô Thompson là giáo viên tiểu học tại thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ. Vào ngày đầu tiên của năm học mới, đứng trước những em học sinh lớp 5 do mình phụ trách chủ nhiệm, cô nói: “Cô yêu thương tất các em như nhau”. Nhưng trong lòng cô, cô biết mình không thể làm được điều đó khi nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi ngay bàn đầu.

Một năm trước, cô từng được biết Teddy chơi không tốt với bạn bè, quần áo xộc xệch lôi thôi, sách vở thì bừa bộn. Trong mắt cô, Teddy là một đứa trẻ khó ưa. Cô còn sẵn sàng vạch vào hồ sơ học bạ của Teddy một chữ F hạng kém đỏ chót. Tại ngôi trường này, giáo viên được yêu cầu xem lại thành tích của từng học sinh từ những năm học trước, cô Thompson không ngần ngại nhét hồ sơ của Teddy xuống cuối cùng.

Tuy nhiên, khi cô xem lại hồ sơ của Teddy, cô đã bất ngờ.

Giáo viên lớp 1 của Teddy đã viết: “Teddy là một đứa trẻ thông minh, em luôn nở nụ cười tươi. Em học tập tốt, cư xử đúng mực với bạn bè”.

Giáo viên lớp 2 viết: “Teddy là một học sinh xuất sắc, được các bạn trong lớp yêu mến. Cuộc sống gia đình của cậu bé là một cuộc chiến đấu mỗi ngày vì mẹ cậu bé mắc bệnh nan y”.

Giáo viên lớp 3 viết: “Cái chết của mẹ đã thay đổi con người Teddy. Cậu bé đã cố gắng làm hết sức mình nhưng cậu bé thiếu sự quan tâm của cha. Cuộc sống của em sẽ sớm bị ảnh hưởng nếu em không được quan tâm và chia sẻ”.

Giáo viên lớp 4 viết: "Teddy dường như không có hứng thú đến trường. Cậu bé không có nhiều bạn bè và thỉnh thoảng ngủ gật trong lớp”.

Đến lúc này, cô Thompson đã hiểu ra vấn đề. Cô cảm thấy hổ thẹn với bản thân. Cô thậm chí còn xấu hổ hơn khi các học sinh của mình tặng mình những món quà Giáng Sinh được quấn những dải ruy băng xinh đẹp và giấy sáng, ngoại trừ Teddy. Món quà của Teddy được bọc một cách vụng về trong tờ giấy màu nâu nhàu nhĩ mà em tận dụng lại từ loại giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô mở hộp quà trước sự chứng kiến của cả lớp. Một số đứa trẻ bật cười khi thấy cô giơ một chiếc vòng tay đã cũ, bị thiếu một vài viên đá và 1 chai nước hoa dùng dở. Cô ra hiệu cho cả lớp im lặng rồi nói: “Chiếc vòng này đẹp quá” rồi xịt một ít nước hoa lên cổ tay. Sau buổi học ngày hôm đó, Teddy ở lại lớp chỉ để nói với cô: “Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa vậy”.

Sau khi Teddy ra về, cô Thompson ngồi khóc suốt một giờ đồng hồ. Từ đó, cô đặc biệt chú ý đến Teddy. Khi được cô quan tâm sát sao, Teddy tỏ ra nhanh nhẹn, hoạt bát hơn trước. Cô càng khuyến khích, cậu bé càng tiến bộ nhanh hơn. Đến cuối năm, Teddy trở thành một trong những đứa trẻ học giỏi nhất lớp. Mặc dù đã từng nói cô yêu tất cả những đứa trẻ như nhau, nhưng Teddy là học sinh cô Thompson cưng nhất.

Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhỏ được nhét qua khe cửa. Cậu bé viết: “Cô là cô giáo tốt nhất em từng gặp trong đời”

 "Cô là cô giáo tốt nhất em từng gặp trong đời" - nội dung bức thư Teddy gửi cô trong nhiều năm (Ảnh minh họa)

6 năm trôi qua, cô lại nhận được một bức thư khác từ Teddy. Trong thư, cậu bé khoe đã tốt nghiệp trung học, đứng thứ 3 trong lớp và vẫn là nội dung “cô là cô giáo tốt nhất em từng gặp trong đời”.

Sau đó 4 năm nữa, một lá thứ khác lại đến. Lần này Teddy thông báo tin cậu đã đỗ tiến sĩ, cậu sẽ quyết định học lên cao hơn. Cậu vẫn nói: “Cô là cô giáo tốt em từng được học”. Lần này, tên cậu đã được ký dài hơn: Theodore F. Stoddard – giáo sư tiến sĩ.

Câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Một bức thư được gửi đến nhà cô Thompsonn, Teddy cho biết cậu đã gặp được người con gái mình thương và chuẩn bị kết hôn. Cậu chia sẻ rằng cha cậu đã qua đời cách đây vài năm trước, cậu hỏi liệu cô Thompson có thể đồng ý dự đám cưới và ngồi ở vị trí dành cho mẹ của chú rể hay không. Tất nhiên, cô Thompson đã gật đầu.

Ngày trọng đại của Teddy, cô đeo chiếc vòng tay cũ Teddy từng tặng, xịt hương nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào dịp Giáng Sinh cuối cùng trước khi mất.

Họ ôm chầm lấy nhau, Teddy thì thầm vào tai cô: “Em cảm ơn cô vì đã tin tưởng em. Cô khiến em cảm thấy mình quan trọng và có niềm tin rằng mình có thể tạo ra sự khác biệt”.

Cô Thompson vừa khóc vừa nói: “Teddy thân yêu, em nói sai rồi. Em mới chính là người đã dạy cô rằng cô có thể sống khác đi, suy nghĩ khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô gặp em”.

Đọc câu chuyện trên ta như cảm tưởng đã gặp đâu đó trong cuộc đời khi ta là những nhà giáo. Nhưng sẽ thật thiếu sót khi chúng ta đã vô tình nào đó bỏ qua những học sinh như Teddy.

Sẽ chẳng có một Teddy là Giáo sư, Tiến sĩ nếu như không có một cô giáo như mẹ hiền đã nâng đỡ, vực dậy đam mê, trí tuệ trong em. Ngược lại, cô Thompson sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa của công việc cô đang làm nếu ngày ấy cô không cầm hồ sơ của Teddy lên đọc để hiểu về em.

Chỉ có 2 con người đó gặp nhau mới thực sự giúp cho nhau hiểu thêm về ý nghĩa và giá trị của chính mình. Đó không chỉ là bài học về giáo dục mà hơn hết là bài học về cách làm người, trách nhiệm với nghề để giúp ta thấy được ý nghĩa thực sự của bản thân.

Với cô Thompson có thể sẽ có hàng ngàn học sinh được cô dạy dỗ nhưng sẽ không quá khi nói rằng Teddy chính là học sinh đặc biệt nhất khiến cô cả đời yêu thương và nhớ mãi.

Nguồn: Gia đình Việt Nam