Dòng sự kiện:

Có nên ly hôn trong trạng thái như cặp Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang?

Theo Gia đình xã hội
21:15 11/10/2019
Mới đây, cặp vợ chồng Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang đã tiết lộ lý do họ quyết định ly hôn khi cả hai mất phương hướng nhưng sau đó nhận ra không thể sống thiếu nhau. Quyết định ly hôn thời điểm chênh vênh kiểu này có thực sự đúng đắn?

Li hôn khi mất phương hướng

Thông tin Hồ Hoài Anh và Lưu Hương Giang ly hôn khiến cộng đồng mạng xôn xao. Trước thông tin đó, phía đại diện Lưu Hương Giang xác nhận cặp đôi đã ly hôn. Trên trang cá nhân của mình, nữ ca sĩ cũng đã lên tiếng rằng: "Câu chuyện ngày hôm nay đến với mọi người cũng là câu chuyện xảy ra khá lâu rồi, đó là lúc cả 2 mất phương hướng và cũng có quyết định ly hôn.

Nhưng sau khi đủ bình tĩnh chúng tôi thấy mình vẫn không thể sống thiếu nhau, thiếu gia đình, Giang nghĩ chuyện này hết sức bình thường với các cặp vợ chồng và cuộc sống hôn nhân cũng phải có những lúc lên lúc xuống mới biết được giá trị của nhau, biết trân trọng gia đình nhiều hơn… cũng như những cặp vợ chồng bình thường khác mà thôi, tôi cũng không muốn gánh trên mình 1 cuộc hôn nhân với những trọng trách lúc nào cũng phải tròn trịa hoàn hảo, êm đẹp quanh năm suốt tháng, thế thì mệt lắm...".

Lưu Hương Giang chia sẻ vợ chồng cô chia tay khi mất phương hướng.

Li hôn khi mất phương hướng nhưng sau đó nhận ra không thể sống thiếu nhau như cặp vợ chồng Hồ Hoài Anh – Lưu Hương Giang không phải là hiếm. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng đã quyết định chia tay, sau một thời gian ngắn sau họ lại quay về chung sống.

Nhìn nhận về điều này, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân (Trung tâm tư vấn Tâm lý Phúc Ngân) cho biết, mất phương hướng mà Lưu Hương Giang đang đề cập đến trong tình huống của cô ấy có thể là mất phương hướng về tâm lý.

Mất phương hướng là khi ai đó mất thăng bằng về mặt cảm xúc, về mặt suy nghĩ, họ không biết giá trị của mình là gì và đặc biệt, họ không xác định được cái gì là quan trọng hơn với họ. Điều đáng nói là không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được điều đó và chỉ khi quyết định, hành động của chúng ta đã xảy ra rồi, chúng ta mới biết là lúc trước mình đã mất phương hướng.

Khó có thể xác định được thời điểm vợ hay chồng mất phương hướng. Nếu trong cuộc sống vợ chồng, khi một hoặc cả hai người cảm thấy đối phương không đáp ứng được nhu cầu tình cảm hoặc những nhu cầu khác của mình (ví dụ: chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con…), sau một thời gian cố gắng để thay đổi đối phương nhưng tình hình không được cải thiện. Lúc đó, họ cảm thấy mình đang phải chịu đựng, mối quan hệ chỉ là một chiều theo kiểu: Tôi quan tâm đến anh/cô mà ngược lại, anh/cô không quan tâm đến tôi; tôi vun đắp, còn anh/cô không phối hợp; tôi cố gắng mà anh/cô không ghi nhận…

Họ hoang mang, bối rối, mất phương hướng và rồi một trong hai người sẽ tìm cho mình một giải pháp cho riêng mình. Có thể li hôn, tìm người khác có thể đáp ứng nhu cầu của mình, lựa chọn tập trung vào công việc…

"Mọi quyết định đưa ra lúc này đều phải hết sức cẩn thận. Ly hôn là một vấn đề không phải chỉ liên quan đến chuyện của hai người trong cuộc mà ảnh hưởng đến nhiều yếu tố xã hội khác nên việc này cần phải được thực hiện khi cả hai thực sự bình tĩnh, tỉnh táo và đã xác định rõ các vấn đề liên quan" – chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân cho hay.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, ly hôn là một bước ngoặt "cực chẳng đã" trong cuộc đời của mỗi người. Trước khi quyết định việc 

li hôn

 cần phải thận trọng, đừng để khi quyết định đặt bút kí tên vào tờ giấy li hôn rồi lại hối tiếc vì đã không nhận ra sự quan trọng của nhau. Không phải cứ thấy hôn nhân không hạnh phúc là nghĩ ngay chuyện ly hôn. Nhưng vợ chồng cũng không thể ràng buộc nhau bởi tờ giấy kết hôn. Đã sống chung cần có sự quan tâm, sẻ chia. Vợ chồng có thể cho nhau một khoảng thời gian với việc sống li thân. Còn trong trường hợp mọi nỗ lực không thể cứu vãn được hôn nhân thì li hôn là giải pháp tốt cho cuộc hôn nhân tồi. 

Trước khi quyết định hãy đặt câu hỏi?

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân cho rằng, người trong cuộc đôi khi không nhìn hết một cách khách quan về vấn đề của mình và đặc biệt là trong lúc đang mất phương hướng nên khi có vấn đề hôn nhân hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn về việc ly hôn hay không li hôn.

Theo các chuyên gia, một khi đưa ra quyết định ly hôn, vợ/ chồng cần phải tự đặt cho mình những câu hỏi. Chẳng hạn như:

- Tình cảm với vợ/ chồng của mình còn không?

Nếu vẫn còn có cảm xúc yêu đương cần xem lại mối quan hệ trước khi quyết định. Khi có bất cứ sự lưu luyến nào, đừng vội quyết định để sau này phải hối tiếc.

- Quyết định li hôn có trong tức giận?

Quyết định li hôn tại một thời điểm mà bạn đang căng thẳng, nóng giận không giải quyết được vấn đề. Trái lại điều này còn tạo sự tổn thương, thất vọng cho bạn. Đừng để cơn nóng giận khiến mình không thấy được ở người kia những điều tốt đẹp.

- Cảm thấy gì trong thời gian chung sống:

Nếu trong suốt một thời gian dài chung sống, cả hai chưa bao giờ đem lại điều gì ngoài việc "góp gạo thổi cơm chung", giải pháp li dị có thể đúng. Bởi sống chung cần sự gắn kết của hai con người cùng một mục đích. Một khi cả hai chỉ đòi hỏi những nhu cầu riêng của mình thì sớm muộn cũng không hạnh phúc.

- Li hôn xuất phát từ điều gì?

Hãy nhớ li hôn là kết thúc tất cả và gia đình bạn tan vỡ. Quyết định li hôn có khiến bạn dễ chịu hay để đối tác nhận ra họ sẽ mất những gì và buộc họ phải thay đổi ?...

Hơn nữa, bạn cũng cần tính đến việc sống thế nào, hệ quả từ li hôn. Đó là nỗi đau của con và của cả người kia. Đừng gây ra tội lỗi nhiều hơn khi vì muốn li hôn mà không đếm xỉa đến nỗi đau của người khác. Tất cả những điều đó cần phải được tính đến. Thái độ bạn chọn để sống sẽ quyết định không chỉ việc li hôn mà cả chất lượng sống sau li hôn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam