Dòng sự kiện:

Con bị dây rốn quấn cổ sẽ chào đời an toàn nếu thường xuyên được mẹ chăm sóc như thế này

Theo WTT
07:06 06/01/2019
Trẻ bị dây rốn quấn cổ được lý giải thường là do cơ thể bé nghịch ngợm, cử động quá nhiều trong bụng mẹ hoặc do cấu tạo tế bào gốc thành mạch rốn không đủ, cấu trúc dây rốn yếu, quá nhiều nước ối, dây rốn dài bất thường, thai đôi hoặc đa thai.

Chị gái em đang mang bầu ở tuần thứ 34. Hôm vừa rồi chị ấy vừa đi khám bác sĩ về thì tỏ ra rất lo lắng khi bác sĩ nói em bé trong bụng bị tràng hoa quấn cổ 2 vòng. Chị ấy kể như vậy với mẹ em thì mẹ bảo rằng:

- Hồi xưa mẹ đẻ bé Út (là em đó ạ) ra cũng bị dây rốn quấn cổ đến 3 vòng đấy. Con đừng lo lắng quá mà ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con.

Chị gái em lo lắng quá nên đầu óc để ở 9 tầng mây, ngớ ngẩn hỏi lại mẹ:

- Thế em bé có sống không hả mẹ?

Mẹ em cười chỉ em bảo:

- Không sống mà giờ nó lớn tướng như thế này rồi à?

Chị gái em lúc đó mới ngượng ngùng nhận ra mình đã hỏi thừa.

Dù nghe mẹ em nói như vậy nhưng chị gái em cũng rất lo nên thường xuyên đi khám. Trong suốt 4 tuần tiếp theo, em bé trong bụng chị ấy vẫn chưa thể tháo được các vòng dây quấn trên cổ nhưng trộm vía bác sĩ nói điều này không quá ảnh hưởng đến bé, các chỉ số về chiều cao, cân nặng của con rất tốt. Bác sĩ dặn chị em hãy luôn giữ bình tĩnh, khi thấy bất cứ dấu hiệu lạ nào thì đến gặp bác ấy ngay.

Cuối cùng đến tuần thứ 38 thì chị em có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ quyết định đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con. Và cả gia đình em vui mừng chào đón thành viên nhí mới xinh xắn và đáng yêu lắm các chị ạ.

Vậy nên chị nào đang mang bầu mà bác sĩ kết luận con bị dây rốn quấn cổ thì cũng đừng quá lo lắng nhé. Đa phần các bé sẽ được chào đời một cách an toàn, chỉ một số rất ít các em bé thiếu may mắn sẽ gặp nguy hiểm. Nếu thấy thai nhi trong bụng gặp nguy hiểm, các bác sĩ sẽ có giải pháp giúp đỡ các chị nhé.

Theo các bác sĩ, dây rốn quấn cổ là một hiện tượng khá phổ biến ở thai nhi. Có đến 1/3 số trẻ sinh ra có dây rốn quấn cổ, dù sinh thường hay sinh mổ. Các bác sĩ sản khoa cho rằng đây là một hiện tượng bình thường nên mẹ không cần phải lo lắng một cách thái quá kẻo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của hai mẹ con.

Trẻ bị dây rốn quấn cổ được lý giải thường là do cơ thể bé nghịch ngợm, cử động quá nhiều trong bụng mẹ hoặc do cấu tạo tế bào gốc thành mạch rốn không đủ, cấu trúc dây rốn yếu, quá nhiều nước ối, dây rốn dài bất thường, thai đôi hoặc đa thai.

Các bác sĩ sản khoa khẳng định rằng: Ngoài việc làm cho mẹ bầu thêm lo lắng thì hầu như dây rốn không gây biến chứng gì đến mẹ và bé. Khi siêu âm thai, bác sĩ sẽ phát hiện được bé có bị dây rốn quấn cổ hay không và theo dõi chặt chẽ cho đến khi mẹ vượt cạn thành công. Chỉ có 1 số trường hợp hiếm gặp dây rốn quấn cổ gây nguy hiểm cho em bé khi dây quấn chặt, nhiều vòng thì có thể khiến em bé bị thiếu oxy, giảm nhịp tim trong lúc sinh. Điều quan trọng là mẹ cần theo dõi trong suốt thai kì, nếu cần bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn.

Vì vậy,các mẹ bầu hãy lưu ý một vài điều dưới đây để phòng và tháo dây rốn quấn cổ cho con:

- Phải bình tĩnh, không lo lắng thái quá.

- Thường xuyên theo dõi cử động thai (nhất là ở các tháng cuối thai kỳ) để kịp đến bệnh viện ngay khi có bất thường xảy ra.

- Mẹ vận động nhẹ nhàng thường xuyên để con khỏe, kích thích con vận động theo nhằm tháo vòng dây bị quấn. Có thể áp dụng thử mẹo bò ngược chiều kim đồng hồ để giúp bé tháo dây rốn. Mẹo này tuy chưa được khoa học chứng minh nhưng đã được nhiều mẹ áp dụng và thành công. Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên lạm dụng quá, không bò quá nhiều, không bò lúc quá đói hoặc quá no, cẩn thận kẻo chóng mặt, chới với, té ngã...

Chúc các mẹ bầu khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.

Nguồn: Gia đình Việt Nam