Dòng sự kiện:

Dạy con tại nhà: Cần tiền, tài và sự dũng cảm

Theo PNVN
21:08 08/05/2017
Trong lúc dạy con học ở nhà (homeschool) khá phổ biến tại một số nước thì tại Việt Nam, phương pháp này vẫn còn tranh cãi. Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu cha mẹ chạy theo trào lưu, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tiền, tài... sẽ có thể “làm hỏng” các con.

Mấy hôm nay, văn phòng nơi chị Bùi Lệ Huyền làm việc (một công ty truyền thông - giải trí ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội) luôn rôm rả bàn tán việc dạy con học ở nhà (homeschool) đang xôn xao trên báo chí.

Từ câu chuyện có thật của hai anh em ở TP.HCM được chính cha mình nghỉ làm trực tiếp dạy con khiến nhiều phụ huynh ngỡ ngàng, ngưỡng mộ, chị Huyền và đồng nghiệp quan tâm đến vấn đề này vì đều có con ở độ tuổi đi học.

“Một số đồng nghiệp tỏ ra hào hứng vào ủng hộ phương pháp này vì cảm thấy quá chán nản ở trường công nơi con họ học, tôi cũng thấy nể hai vị phụ huynh ấy. Nhưng có mấy ai được như họ?” - chị Huyền đặt vấn đề.

Nhiều phụ huynh chưa đủ tự tin và dũng cảm để có thể dạy con học tại nhà. Ảnh minh họa

Theo chị, để tự dạy được con hoàn toàn tại nhà mà con vẫn phát huy được năng lực, phẩm chất, cá tính, bản thân phụ huynh phải hội tụ được rất nhiều thứ. Trước hết đó là trình độ của cha mẹ, đủ để bao quát kiến thức hoặc ít nhất định hướng kiến thức, tìm tòi tài liệu cho con theo học và bám sát việc học của con.

Ngoài ra, gia đình phải có điều kiện kinh tế nhất định mới có thể toàn tâm lo cho con. “Họ có điều kiện đã đành và quan trọng là đủ lòng dũng cảm sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của bản thân để dành cho con! Điều này thực sự khó!” - chị Huyền chia sẻ.

Ở góc độ khác, anh Đặng Huy Minh (phóng viên một tờ báo về kinh tế ở Hà Nội) cho rằng, homeschool có đạt được ý muốn hay không còn phụ thuộc vào chính người học. “Cha mẹ muốn nhưng con cái không đủ quyết tâm, không rõ mục tiêu trong cuộc sống thì sao có thể homeschool được? Tôi thấy những trường hợp đăng trên báo đa phần là những đứa con đều giỏi nổi trội, cá tính, gần như hơi cá biệt... và bố mẹ các em không muốn con họ theo một khuôn mẫu nào đó”.

Rào cản giao tiếp cho con?

Cô giáo Nguyễn Hồng Hạnh (giáo viên THPT Bố Trạch, Quảng Bình) khi nhìn nhận về phương pháp này, cho rằng vẫn chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Là giáo viên, nhưng bản thân cô Hạnh cảm thấy không tự tin nếu lựa chọn dạy con tại nhà, bởi đòi hỏi ở bố mẹ quá nhiều áp lực. “Bố mẹ phải đủ năng lực để dạy và kiểm tra, đồng thời cần biết tạo cho con một hệ thống kiến thức toàn diện cả về tự nhiên lẫn xã hội. Chưa kể ngoài việc dạy con kiến thức còn phải dạy con kỹ năng sống, ứng xử,… quả là không hề đơn giản!” - cô Hạnh nêu quan điểm.

Về điều này, bà Lê Thị Loan, Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) nói rõ, có nhiều lý do chưa thể áp dụng mô hình này ở nước ta. Trong hệ thống giáo dục quốc dân mục tiêu đào tạo hay mô hình nhân cách người học tương ứng với từng cấp học được xác định dựa trên điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đặc điểm của lứa tuổi học sinh, yêu cầu của thị trường lao động cũng như yêu cầu về sự phát triển hài hòa, toàn diện của các em.

“Để hiện thực hóa mục tiêu đó người học cần phải học nhiều môn học và tham gia nhiều hoạt động như vui chơi, hoạt động tập thể với những trải nghiệm và hoạt động cùng nhau để hình thành nhân cách. Điều này rất khó thực hiện ở giáo dục gia đình” - bà Loan nói.

Cũng theo bà, việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống khó thực hiện ở giáo dục gia đình, đặc biệt là những giá trị phổ quát mang tính toàn cầu như: Hòa bình, hữu nghị, tinh thần quốc tế, kỹ năng hợp tác, hòa nhập, phòng tránh bạo lực học đường, xâm hại tình dục… thường được tổ chức dưới dạng các hoạt động tập thể và đây là thế mạnh của giáo dục nhà trường.

Như vậy, học tại gia đình sẽ làm hạn chế các mối quan hệ xã hội, giao tiếp của các em với các bạn cùng trang lứa với sự đa dạng về cá tính, tính cách, hoàn cảnh… Điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng hòa nhập và thích nghi với cuộc sống vốn rất sôi nổi, phức tạp.

“Trong một số trường hợp cha mẹ có kiến thức và kỹ năng dạy con mình học tập có thể đạt được kết quả như mong muốn ở một số môn học và một số lĩnh vực, nhưng về tổng thể không thể thay thế giáo dục nhà trường với các thầy cô giáo trong việc giáo dục trẻ em” - theo bà Lê Thị Loan.

Những lý do khiến homeschool vẫn còn là đề tài tranh cãi trong phụ huynh, không chỉ dừng lại ở yếu tố chủ quan. Ở góc độ pháp lý, Việt Nam vẫn chưa thừa nhận chính thức phương pháp này nên nhiều phụ huynh dù muốn vẫn chưa dám cho con nghỉ học ở trường và chỉ học tại nhà.

Nguồn: Gia đình Việt Nam