Dòng sự kiện:

Điều bố mẹ cần làm khi bé 2 tuổi có tính hung hăng

02:00 30/07/2015
Một số trẻ khi lên 2 tuổi bắt đầu có biểu hiện hung hăng. Nhất là khi không đạt được ý muốn, bé có thể đá, cắn, hoặc đánh.

Vì sao bé hung hăng?

Trẻ chập chững biết đi có thể giận dữ và có hành vi hung hăng nhưng bé không hiểu rằng những hành động đó sẽ làm đau người khác.

Một số trẻ khi lên 2 tuổi bắt đầu có biểu hiện hung hăng.

 

Sự hung hăng có thể vì những nguyên nhân sau:

- Bị cấm làm một điều gì đó mà trẻ rất muốn làm, hoặc trẻ không thể diễn đạt suy nghĩ của mình cho người khác hiểu.

- Phản kháng lại một món ăn hay mùi vị nào đó mà trẻ ghét.

- Bé bị ảnh hưởng của những cảnh bạo lực trên phim ảnh.

- Trẻ có cảm giác ghen tị, như khi mẹ có em bé.

- Bé thường xuyên bị ngăn cấm, chê trách hay trừng phạt.

- Bắt chước người lớn hay bị một đứa trẻ khác bắt nạt.

- Bé bị mệt và đói.

- Bé bị kích động

Cách hiệu quả giảm sự hung hăng của bé

Việc mắng mỏ, kết tội, bảo bé hư hỏng, hung dữ... điều này chẳng có tác dụng gì cả bởi bé chưa biết phân biệt một cách rõ ràng các khái niệm. Cách tốt nhất để làm cho bé ý thức được dần dần những hành động của mình là bình tĩnh nói: "Mẹ biết con không cố ý làm xấu, nhưng con kéo tóc bạn làm cho bạn bị đau, bạn khóc rồi". Sau đó bạn hãy đề nghị bé xin lỗi người bé đã làm đau, như thơm vào má một cái chẳng hạn.

Những việc bố mẹ cần làm khi bé 2 tuổi có tính hung hăng.

Hãy giúp con thể hiện các cảm xúc bằng lời nói. Bạn hãy cố gắng hiểu ý của bé và diễn đạt hộ bé như: "À, con cáu giận vì con muốn trèo lên cầu trượt đầu tiên" hay "Con không muốn bạn giành mất đồ". Cách này khiến bé an tâm vì nó chứng tỏ rằng bạn đã hiểu bé, lại giúp bé học và phát triển từ từ khả năng diễn đạt cảm xúc bằng lời.

Đừng nghĩ rằng nếu bạn “trả đũa” bé bằng hành động tương tự thì bé sẽ hiểu hậu quả hành động của mình. Điều này chỉ làm cho bé nhầm tưởng rằng đó là một kiểu giao tiếp và bé có thể sẽ cư xử tương tự trong trường hợp khác. Ngoài ra, cách này còn làm gia tăng cảm xúc bất lực và sợ hãi của bé, chính vì thế có thể làm tăng thêm sự hung hăng.

Giúp bé có cơ hội điều khiến những điều nho nhỏ trong cuộc sống, điều này có thể tránh được biểu hiện hung hăng, hờn dỗi của trẻ. Ví dụ bạn cho con lựa chọn như : “con muốn uống nước cam hay nước táo”, “con muốn đánh răng trước hay sau khi tắm”.

Hãy giúp bé phân bố năng lượng bằng các hoạt động khác nhau như chơi, chạy nhảy ngoài trời, vui đùa với bố mẹ.

Điều quan trọng nhất là khi đối diện với đứa trẻ đang cáu gắt, hung hăng, bạn phải giữ bình tĩnh, tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra sau đó xử lý tùy thuộc tình huống. Sau cơn hung hăng của trẻ, hãy ôm con và nói với con rằng, con luôn được yêu thương. Hãy dỗ cho bé ngủ một giấc thật ngon để bé cảm thấy thoải mái hơn.

Tường Vy

Nguồn: Người đưa tin