Dòng sự kiện:

Du lịch tâm linh hấp dẫn ở Hải Dương

Hoàng Dương
18:54 30/11/2018
Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều nét văn hóa đặc trưng, nhiều điểm du lịch thú vị, hấp dẫn.

 Tuy nhiên, Hải Dương chưa thực sự trở thành điểm đến “hot” để du khách cũng như các công ty lữ hành thường xuyên tìm đến. Tiềm năng du lịch của Hải Dương chqưa được khai thác hiệu quả, trong khi hệ thống hạ tầng cơ sở vật chất chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu của phát triển. Lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất thấp và mức chi tiêu của khách du lịch còn rất hạn chế.

Bà Phạm Thị Kim Nhung, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hải Dương, cho biết, năm 2017, tỉnh đón 3,75 triệu khách du lịch, doanh thu đạt 1.780 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Hải Dương ước đạt 2 triệu lượt, doanh thu ước đạt 900 tỷ đồng.

Báu vật Cửu Phẩm liên hoa ở Chùa Giám. Chùa Giám là nơi tưởng niệm Thiền sư Tuệ Tĩnh, một đại danh y của Việt Nam. Ông là người đứng ra hưng công xây dựng chùa, biến chùa thành cơ sở trồng dược liệu chữa bệnh cho dân. Nhớ ơn công lao đức độ của Thiền sư Tuệ Tĩnh, nhân dân xã Cẩm Sơn đã tạc tượng Ngài, đặt tại nhà Tổ của chùa.

Hải Dương có trên 160 cơ sở lưu trú, trong đó có một khách sạn hạng 4 sao, hai khách sạn hạng 3 sao, còn lại là các khách sạn thấp sao; 18 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; trên 20 đơn vị kinh doanh vận chuyển khách du lịch; 20 doanh nghiệp kinh doanh điểm dừng chân du lịch.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu đa dạng và ít được đổi mới, chưa thực sự tạo được sức hút đối với du khách, cơ sở hạ tầng chưa thực sự đồng bộ…. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội từ du lịch mang lại chưa cao, chưa tạo động lực để thúc đẩy, lôi cuốn người dân điểm du lịch nhập cuộc, cùng làm du lịch với chính quyền. Du khách đến Hải Dương hầu hết chỉ đi trong ngày, ít đoàn nghỉ qua đêm, lại càng hiếm những đoàn ở lại dài ngày để tham quan, trải nghiệm; sức mua sắm cũng không lớn.

Để thúc đẩy du lịch phát triển, Sở VH-TT và DL Hải Dương vừa tổ chức chương trình khảo sát và tọa đàm quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, làng nghề tại huyện Cẩm Giàng và sản phẩm du lịch cộng đồng tại Đảo Cò, huyện Thanh Miện, nhằm sản phẩm này vào khai thác du lịch trong thời gian tới.

Những năm gần đây, đảo Cò Chi Lăng Nam đã trở thành điểm du lịch sinh thái "độc nhất vô nhị" của miền Bắc. Nằm giữa một vùng hồ bao la sóng nước, đảo Cò nổi lên như một viên ngọc mà thiên nhiên đã ban tặng cho Chi Lăng Nam. Với diện tích 2.382m2, từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại cò vạc khác nhau, cò vạc đến từ khắp nơi. 

Theo bà Phạm Thanh Tâm, Công ty Du lịch Viettrans tour , nếu chỉ có tiềm năng mà dịch vụ liên quan chưa đến được với du khách thì rất khó. Ông Đỗ Dương Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Ninh Bình cũng nhận xét Hải Dương đang bỏ phí tiềm năng du lịch. Đơn cử như huyện Cẩm Giàng hay Thanh Miện có các di tích lịch sử cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt gắn liền với tên tuổi của nhiều vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, thần y Tuệ Tĩnh… Theo ông Tiến, Hải Dương nên chọn du lịch văn hóa, du lịch tâm linh làm điểm nhấn và đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch.