Dòng sự kiện:

Đừng chờ đợi lễ tết mới dạy con về sự sum vầy

06:09 26/01/2020
Sum vầy bắt nguồn từ những điều bình dị trong cuộc sống, không phải là lý thuyết khô cứng và trịnh trọng. Cha mẹ cần dạy trẻ nhiều điều, đừng chờ đợi lễ tết mới dạy trẻ về sự sum vầy.

Đừng chờ đợi lễ tết mới dạy con về sự sum vầy

Khoảnh khắc gia đình đoàn viên trong những dịp lễ tết luôn nhắc nhớ con người ta về những kí ức tươi đẹp khi con cháu quây quần về thăm sức khỏe ông bà, anh chị em tụ họp trò chuyện, tâm sự về những chuyện đã qua. Trẻ con không giống như người lớn, chúng chưa có khái niệm về thời gian, cha mẹ đừng chờ đến những dịp lễ tết mới dạy con về sự sum vầy, đoàn tụ mà hãy để con kịp thích nghi với những hoàn cảnh đặc biệt đó. Nếu nhà gần ông bà nội, ngoại, cha mẹ hãy thường xuyên đưa con tới thăm vào cuối tuần để tình cảm ông bà với cháu chắt thêm khăng khít. Những cuộc giao lưu với người thân, họ hàng sẽ khiến trẻ con không bị lạ lẫm khi gặp gỡ mọi người.

Ảnh minh họa 

Truyền sự gần gũi cho trẻ thông qua hình ảnh

Việc lưu giữ những khoảnh khắc tươi đẹp với gia đình, người thân sẽ có lợi cho việc giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của sum vầy. Thỉnh thoảng cha mẹ hãy lấy những bức ảnh đoàn viên của đại gia đình để cho con xem về từng thành viên trong gia đình, bên cạnh đó là kể, lồng ghép những câu chuyện liên quan đến người trong ảnh sẽ khiến trẻ cảm thấy gần gũi hơn và sẽ không quá lạ lẫm khi gặp ngoài đời. Trẻ con tiếp thu hình ảnh tốt hơn so với lời nói nên cha mẹ hãy sử dụng phương pháp này để dạy con.

Để trẻ cảm nhận được sự yêu thương

Đối với một đứa trẻ, gia đình là cái nôi, là môi trường đầu tiên mà trẻ em tiếp xúc, học hỏi và lớn lên, đó nhất thiết nên là môi trường an toàn và chan chứa yêu thương. Các bậc cha mẹ hãy cố gắng dung hòa và quan tâm đến con cái để tìm hiểu tâm tình, hãy dành những giây phút thư giãn thoải mái, vui vẻ ở bên con trẻ, chia sẻ, tâm sự với trẻ về những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Một khi trẻ cảm nhận được sự yêu thương, chúng sẽ tự khắc biết cách để yêu thương cha mẹ. Khi trẻ bày tỏ tình cảm với cha mẹ, hãy đón nhận và khích lệ trẻ nhiều hơn. Hãy cho trẻ biết chúng được những người thân trong gia đình yêu thương và chở che. Hãy hỏi trẻ có yêu ông bà, cô dì chú bác không để nhắc trẻ về sự hiện diện của những người thân khác nữa trong tâm trí bé.

Day con y nghia sum vay 1 Giadinhvietnam

Ảnh minh họa  

Dạy trẻ về lòng biết ơn

Cha mẹ yêu thương con cái là bản năng tự nhiên nhưng đừng để trẻ coi đó là nghĩa vụ của cha mẹ. Cha mẹ thường chỉ quan tâm đến việc nuôi con cái được ăn đầy đủ và mặc ấm áp, nhưng họ quên dạy cho con tầm quan trọng của việc bày tỏ lòng biết ơn đối với người khác kể cả cha mẹ mình. Từ bây giờ, hãy giáo dục con cái luôn biết nói lời cảm ơn khi nhận một điều tốt đẹp từ người khác. Khi giáo dục con xác định về việc tìm kiếm những điều chúng ta biết ơn, bạn sẽ thấy rằng trẻ bắt đầu đánh giá cao những niềm vui nhỏ bé và những thứ mà trước kia được cho là hiển nhiên.

Đặc biệt, hãy nhắc cho trẻ biết việc phải ghi nhớ về nguồn cội và biết ơn ông bà tổ tiên đã sinh ra ông bà mình, cha mẹ mình, để mình có được hình hài và khôn lớn như ngày hôm nay. Việc bày tỏ lòng biết ơn sẽ giúp trẻ trở thành người giàu tình cảm và dễ dàng làm quen với những người thân ít khi có dịp tiếp xúc.

Dạy con biết quan tâm đến những thành viên khác

Cha mẹ muốn dạy con quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình thì phải làm gương để cho con trẻ học theo ngay từ những việc nhỏ nhất. Đặt trẻ đứng ở địa vị hay hoàn cảnh của người khác để tưởng tượng và trải nghiệm những suy nghĩ và tình cảm của họ. Thấu hiểu và đồng tình là cơ sở tình cảm để quan tâm đến mọi người. Hãy để trẻ làm những việc giúp đỡ gia đình trong cuộc sống hằng ngày phù hợp với trẻ như: phụ mẹ quét nhà, dọn dẹp đồ chơi, rửa bát, mua đồ dùng tạp hóa…

Tập cho trẻ biết phụ giúp gia đình từ những công việc thường ngày, trẻ nhỏ làm việc nhỏ phù hợp với khả năng và tính cách. Từ việc quan tâm giúp đỡ những thành viên khác trong gia đình, bé sẽ thấy sự gần gũi và yêu thương người thân của mình hơn.

Hãy kiên nhẫn khi dạy trẻ

Hãy xác định việc dạy bé về ý nghĩa sum vầy là cả một quá trình, vì thế cha mẹ hãy lên dây cót tinh thần và chuẩn bị cho mình lòng kiên nhẫn. Ví dụ như khi trẻ tò mò hỏi về người thân, về ý nghĩa của sự sum vầy thì hãy kiên nhẫn nói cho con hiểu.

Cha mẹ nên lưu ý rằng khi dạy con phải mềm mỏng và kiên nhẫn, tránh áp đặt hay ra lệnh vì như thế trẻ chỉ cảm thấy khó chịu và phản kháng lại mà thôi. Khi đó thì mọi nỗ lực của cha mẹ có thể bị phản ứng ngược và không mang lại hiệu quả.

Nguồn: Gia đình Việt Nam