Dòng sự kiện:

Dùng 'đồng nát' dạy học môi trường cho trẻ em

12:30 30/01/2017
Học sinh lớp 10, 11, 12 tại Hà Nội của dự án Lọ Mọ đã mang đồ đồng nát như: bìa cứng, vỏ chai và nhiều vật dụng tái chế khác làm công cụ dạy học môi trường cho các em nhỏ tại nhiều trường tiểu học.

Lọ Mọ là tên một dự án được thành lập tháng 6.2016. Đến nay, Lọ Mọ đã có hơn 40 tình nguyện viên gắn bó, đều là học sinh các trường THPT tại Hà Nội.

Bạn trẻ Như Phương Anh, Trưởng ban tổ chức cũng là người đặt tên dự án, cho hay, Lọ Mọ được gợi mở từ tên một cửa hàng quần áo trên phố. Cô lý giải: “Mỗi việc ta làm, như thu dọn đồ phế liệu, làm nó thành đồ hữu hiệu, dù lọ mọ mất công một chút, nhưng có ích”.

Theo Phương Anh, Lọ Mọ gồm rất nhiều hoạt động, từ dạy học cho học sinh về môi trường, sản xuất đồ tái chế hand-made… đến bán đồ tái chế gây quỹ, tuy nhiên hoạt động chính dự án này vẫn là dạy học miễn phí về bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học. Sau 5 tháng hoạt động, chương trình dạy của Lọ Mọ đã đến với học sinh các trường: Ngôi Sao Hà Nội, Vinschool, Hà Nội Academy, La Thành, tiếp cận đến cả ngàn học sinh.

Một buổi dạy học môi trường của các tình nguyện viên dự án Lọ Mọ.

Lê Hiệp Quang, học sinh Trường THPT Thăng Long, một "thầy giáo" đứng lớp thường xuyên tại Trường tiểu học Ngôi Sao Hà Nội cho hay mỗi buổi, Quang dạy học sinh hiểu những kiến thức căn bản về môi trường, những việc làm gây hại, hay những hành động tác động tích cực đến môi trường. Bên cạnh đó, Quang dạy học sinh làm đồ tái chế từ vỏ chai, giấy vụn, gieo hạt, trồng cây. Trước đó, các thành viên trong dự án đã thống nhất với nhau giáo án và được tập huấn cách truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu, dí dỏm nhất tới các học sinh.

“Tôi còn nhớ như in cảm giác sung sướng của những em học sinh lớp 2 khi nhìn thấy hạt mình gieo vào đáy chai nước suối mọc thành những mầm cây bụ bẫm. Tan buổi học, em viết lại cho tôi một mảnh giấy, hẹn tôi sớm quay lại dạy các em”, Quang nhớ lại.

Các giáo viên của dự án Lọ Mọ dạy học sinh cách trồng cây trong vỏ chai.

Thông thường, để được vào dạy học tại các trường, ban tổ chức của dự án Lọ Mọ gửi e-mail, hồ sơ xin phép tới ban giám hiệu của trường học. Từ ngày hoạt động đến nay, các e-mail gửi đi đều nhận được đồng ý.

Trưởng ban tổ chức Như Phương Anh chia sẻ: mong muốn Lọ Mọ sẽ đến được nhiều trường học nữa, cả trường công lập và dân lập. Tuy nhiên để một trường công lập với thời khóa biểu dày đặc các tiết học toán, tiếng Việt, tiếng Anh chấp nhận những giờ học ngoại khóa của Lọ Mọ còn là điều chưa dễ dàng. Phương Anh cho hay: “Hiện tại, chúng tôi sẵn sàng để đi dạy ở bất kỳ trường nào nếu có lời mời. Chúng tôi mong muốn được nhìn thấy trẻ em ở khắp nơi khi ra đường, thấy rác không phải của mình vẫn cúi xuống nhặt”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Ninh Thị Lâm Bằng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Nội Academy cho hay, Lọ Mọ đến dạy một buổi cho học sinh khối lớp 4 của trường, bà đánh giá cao sự sáng tạo và nhiệt tình của các tình nguyện viên. “Trong hơn 1 giờ đồng hồ, các học sinh của chúng tôi đã có thể tự tay làm ra được các sản phẩm từ đồ tái chế. Các cháu đều thích thú với kiểu dạy học này”, bà Bằng nói.

Khánh Linh (lớp 4, trường tiểu học Hà Nội Academy) đến nay vẫn giữ chiếc túi do tự tay mình làm bằng giấy báo trong buổi học, cô bé kể: “Về nhà cháu đã biết phân loại rác, cháu để riêng giấy vụn, vỏ chai cho các bác ve chai”.

Tình nguyện viên dự án Lọ Mọ làm đồ tái chế với trẻ em.

Những cuốn sổ làm từ giấy vụn do các em nhỏ tự tay làm.

Học sinh trường tiểu học Vinschool làm túi xách bằng giấy báo.

Lọ Mọ do các thành viên trong dự án tự đi kêu gọi tài trợ kinh phí, một phần khác do các hoạt động bán đồ hand -made tái chế, làm trà sữa, bán bánh… của các tình nguyện viên để gây quỹ. Trưởng ban tổ chức dự án Như Phương Anh cho biết, trong năm 2017, cô mong muốn Lọ Mọ sẽ tuyển được nhiều tình nguyện viên hơn.

Thanh Niên

Nguồn: Gia đình Việt Nam