Dòng sự kiện:

Giáo dục chân thành từ cuốn sách "Totto-chan, cô bé bên cửa sổ"

Theo Trí thức trẻ
19:30 30/08/2017
Cùng ngẫm về phương pháp giáo dục trẻ em qua cách mà cô bé Totto-chan đã được giáo dục tại ngôi trường Tomoe trong “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ”, câu chuyện với bao sự tâm huyết và tình yêu từ những người lớn thực sự đầu tư trong việc thấu hiểu trẻ nhỏ.

Những tháng ngày hè rực rỡ sắp đưa những cô cậu bé đến với một mốc thời điểm quan trọng. Mùa tựu trường đang đến thật gần, mang theo bao niềm phấn khởi và hi vọng vào năm học mới, của không chỉ các em, mà còn của các bậc cha mẹ.

Nhân nói về vấn đề giáo dục, “Tốt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ” - cuốn sách luôn nằm trong top đầu đầu sách bán chạy nhất tại không chỉ đất nước quê hương Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, là một câu chuyện đặc biệt đầy nhân văn khiến cho độc giả chẳng nén nổi nụ cười, như một chiếc ống nhòm hướng về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng được vun đắp bởi một nền giáo dục được đầu tư bởi những sự thấu hiểu, chân thành. Đây là một câu chuyện ý nghĩa, nói về phong cách dạy trẻ rất hay và độc đáo và những nhà giáo, những bậc cha mẹ tại Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng và thực hiện theo.

Cuốn sách gối đầu giường của bao thế hệ mùa tựu trường (Tranh: Thu Anh Nguyen)

Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Totto-chan, một cô bé tốt bụng, luôn yêu thương mọi người và hiếu kì về mọi điều ở thế giới xung quanh. Tuy nhiên, mọi người tại ngôi trường cũ của cô bé chỉ nhìn vào Totto-chan như một đứa trẻ hiếu động, kì lạ và cần được chấn chỉnh thật sớm. Kết quả, cô bé bị đuổi học mà không hề biết lí do tại sao. May mắn thay, mẹ của Totto-chan hiểu được con gái mình, bà biết rằng cô bé không phải một đứa trẻ hư, nhưng một ngôi trường bình thường với sự giáo dục khuôn mẫu không thể phù hợp và thấu hiểu được em. Vậy là, Totto-chan đã được mẹ xin học cho tại một ngôi trường đặc biệt, một điều đã thay đổi và ghi dấu trong cuộc đời em mãi: ngôi trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi Sosaku, được làm bằng những toa tàu cũ, với những người bạn học thật dễ thương và phong cách giáo dục hoàn toàn đặc biệt.

Vậy, hãy để câu chuyện của ngôi trường đặc biệt và cô bé đáng yêu Totto-chan mang tới cho độc giả những bài học về cách giáo dục trẻ để trẻ có thể lớn lên một cách hoàn thiện nhất, được bao bọc trong tình yêu thương và cũng không thiếu những điều kiện tiếp xúc, va vấp với thế giới xung quanh để từ đó ngày càng dạn dày vốn sống. Hãy cùng nhìn lại câu chuyện bất hủ này và xem nó có thể nói cho ta điều gì nhé.

Học “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ”, hãy tạo điều kiện cho trẻ phát triển tối ưu bằng cách khuyến khích và phát huy tối đa tính tò mò

Hãy thoát khỏi cách giáo dục ép buộc, cổ hủ, áp đặt và kiến tạo một tư duy mới trong việc giáo dục. Đó là một điều tối quan trọng để phát triển cách thức rèn giũa cho trẻ, đặc biệt là khi áp dụng nó vào xã hội hiện nay.

Totto-chan là một cô bé hiếu động và hay tò mò. Em đặt câu hỏi cho mọi điều em bắt gặp xung quanh. Khi đối diện với một đối tượng, như người bạn học, một chú chó, cái cây, một hiện tượng, cô bé không ngần ngại ngắm nghía, nhìn thử rồi đặt câu hỏi. “Kì lạ, hết sức kì lạ!”. Đây là một câu nói gây ấn tượng đặc biệt của cô bé nhỏ, một câu cảm thán nhắc rằng mọi điều xung quanh ta đều mang trong mình một câu chuyện khiến ta phải thốt lên, và chỉ khi ta tìm ra bản chất của nó, ta mới hiểu được và cảm thấy vui thêm bộn phần.

Phụ huynh hãy giáo dục theo cách thôi thúc bản năng của trẻ - thực hành luôn phải đi đôi với lí thuyết, kết quả sẽ thực sự làm ta bất ngờ

Trong những trang sách kể lại câu chuyện tại ngôi trường Tomoe, học sinh được đưa ra ý kiến xem các em thích học môn nào trước khi một ngày học mới bắt đầu. Đó là một trong những cách giáo viên tạo cho các em động lực học. Không chỉ truyền cảm hứng qua những kiến thức mới, người lớn cần cho trẻ em góp công vào “xây dựng” bài học. Từ đó, các em sẽ tự hình thành được sự tự giác, ý thức cầu tiến và đặc biệt là có trách nhiệm với những điều mình thích, mình cần.

Thời gian biểu tại trường Tomoe có thể được tóm gọn lại như sau: vào buổi học sáng, cô giáo cho học sinh tự lựa chọn xem các em muốn học môn nào trước, sau đó cùng tìm tòi, nghiên cứu và giải đáp tất cả các thắc mắc về lí thuyết, kiến thức hàn lâm. Nửa buổi còn lại trong ngày, các em được phép tham gia những hoạt động ngoài trời, áp dụng kiến thức vào thế giới xung quanh. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em khám phá thiên nhiên một cách đầy hào hứng. Từ việc áp dụng kiến thức Sinh Học trong vườn thực vật thế nào, ghi nhớ kiến thức về chuyển động trong Vật Lí ra sao, tất cả đều góp phần tạo nên một phương pháp giáo dục tân tiến, phù hợp với sự phát triển tự nhiên của trẻ. Đó quả là cách mở ra một thế giới muôn màu cho những tâm hồn trong sáng mà giáo dục cần phải học qua câu chuyện đáng yêu này.

Đừng quên dạy cho trẻ, mắc lỗi là điều không tránh khỏi, điều quan trọng là tự thu dọn “chiến trường” mình đã gây ra và rút ra được bài học kinh nghiệm từ đó

(Tranh: Thu Anh Nguyen)

Có một tình huống đặc biệt khiến không ít độc giả bụm miệng cười đã diễn ra tại ngôi trường toa tàu, đó là khi chiếc ví yêu thích của Totto-chan bị rơi vào bồn cầu, và cô bé đã dành cả buổi để đào bới hết chiếc bể phốt, sau nhà vệ sinh để tìm chiếc ví thân yêu ấy. Khi thầy hiệu trưởng Kobayashi đi qua, thay vì xét nét, răn đe em, thầy chỉ hỏi em lí giải việc làm kì quặc ấy, rồi nhắc nhở sau khi xong việc, hãy khiến mọi thứ trở về như ban đầu.   

Quả thật, trẻ em sẽ học cách tự chịu trách nhiệm và rút ra được kinh nghiệm sau những lần trải qua thử thách. Những điều đó là bài học đắt giá có thể ghi nhớ sâu hơn trong từng trải nghiệm sống được giáo dục. Chính vì vậy, cũng như câu chuyện của Totto-chan, hãy để trẻ tự tìm ra cách giải quyết cho vấn đề của mình, được mắc sai lầm và tự sửa lỗi sai đó. Đây là cách hữu hiệu trong giáo dục mà ta không thể bỏ qua.

Không thể phủ nhận rằng chính việc được yêu thương, giáo dục đúng cách chính là niềm động lực để cô bé Totto-chan ngày nào quyết tâm trở thành một cô giáo và mở trường học giống ngôi trường Tomoe mà thầy hiệu trưởng đáng kính đã gây dựng. Và tất nhiên, tấm lòng thành kính dành cho thầy còn ở việc kể lại câu chuyện tuổi thơ vô giá cho mọi người cùng biết, để tri ân thầy Kobayashi, và cũng là niềm hi vọng cho sự phát triển toàn diện của nền giáo dục nước nhà và thế giới.  

Tại ngôi trường được làm bằng đoàn tàu ấy, có những toa tàu chở những giấc mơ, giấc mơ của trẻ em, của tương lai đất nước. Hay chăng, đó là giấc mơ của nền giáo dục toàn diện? Nền giáo dục ấy xuất phát từ sự chân thành bằng cả trái tim!

Nguồn: Gia đình Việt Nam