Dòng sự kiện:

Giáo dục tại nhà ở Mỹ phát triển như thế nào?

Theo VnExpress
14:00 09/05/2017
Giáo dục tại nhà (homeschool) còn xa lạ ở Việt Nam, tuy nhiên đây là phương pháp phổ biến tại Mỹ.

Trong quá khứ, tất cả trẻ em trên thế giới đều được giáo dục tại nhà. Tuy nhiên, khoảng 150 năm trước, các bang tại Mỹ bắt buộc trẻ em theo học trường công lập. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, giáo dục tại nhà mới hợp pháp trở lại. Theo trang The Labor of Love, hiện có hơn 2 triệu trẻ em Mỹ được giáo dục ở nhà, chiếm 4% số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học. Đây là hình thức giáo dục phát triển nhanh nhất nước.

Nguồn gốc của giáo dục tại nhà

Giáo dục tại nhà (homeschool) là lựa chọn cho phép cha mẹ dạy con ở nhà thay vì đưa đến trường. Phong trào giáo dục tại nhà hiện đại bắt đầu vào những năm 1970, khi John Holt - nhà lý luận giáo dục, người ủng hộ cải cách giáo dục bắt đầu tranh cãi rằng việc tập trung vào giáo dục học đường tạo ra môi trường mang tính cưỡng chế trẻ em. Holt kêu gọi phụ huynh giải phóng con khỏi chương trình giáo dục chính quy và theo đuổi phương pháp "unschooling", có nghĩa mỗi người có thể tự lựa chọn các hoạt động học tập cho riêng mình. Bức thư kêu gọi "Growing without schooling" (Trưởng thành không qua trường lớp) viết năm 1977 của ông được nhiều người ủng hộ.

Ngay sau khi lập luận của Holt truyền cảm hứng cho những đứa trẻ tự học tại nhà, bạn ông - Raymond Moore - cũng là nhà lý luận giáo dục, tiếp tục khẳng định cho trẻ đi học sớm là bất lợi, trẻ nên được học ở nhà cho đến khi lên 8-9. Tác phẩm "Home Grown Kids" (Gia đình nuôi lớn trẻ thơ) năm 1981 của Moore nhanh chóng nổi tiếng và thường là cuốn sách đầu tiên các em nhỏ học ở nhà chọn đọc. Thời điểm đó, các trường hợp giáo dục tại nhà nếu gặp khó khăn sẽ được tổ chức do hai nhà giáo dục này thành lập hỗ trợ về mặt pháp lý.

Khi tín đồ Tin lành và Cơ đốc giáo ồ ạt tham gia phong trào homeschool, cuộc chiến với các trường công lập trở nên mạnh mẽ. Hai bên thiếu hợp tác dẫn đến nhiều kiện tụng hay phản hồi tiêu cực. Một số lãnh đạo trường học cảm thấy bị đe dọa khi số lượng trẻ giáo dục tại nhà ngày càng tăng.

Trước những rắc rối về pháp lý, những người lựa chọn giáo dục tại nhà thay vì giải quyết ở cấp cơ sở đã kiến nghị cơ quan lập pháp của bang. Một số người thoải mái với yêu cầu kiểm tra tiêu chuẩn hóa và trình bày kế hoạch chương trình giảng dạy, tuy nhiên số khác lại cho rằng họ cảm thấy bị đàn áp. Câu chuyện về hợp pháp hóa giáo dục tại nhà trở nên phức tạp ở các bang. Đa số chấp nhận phương pháp này từ những năm 1989.

Cho đến năm 1990, giáo dục tại nhà không còn liên quan đến phong trào cải cách giáo dục mà nghiêng về bảo vệ quan điểm tôn giáo và quyền của tín đồ Cơ đốc. Những tác phẩm của Holt và Moore là huyết mạch của phong trào trong thời kỳ non trẻ, tuy nhiên vai trò lãnh đạo của họ không kéo dài quá những năm 1980. Holt qua đời năm 1985, Moore cảm thấy bị gạt ra ngoài lề bởi các nhà lãnh đạo mới đánh giá ông không đủ niềm tin Cơ đốc giáo.

Michael Farris là một trong số những nhà lãnh đạo mới của phong trào, sáng lập Hiệp hội bảo vệ tính hợp pháp của giáo dục tại nhà (HSLDA) năm 1983. Trong khi các nhà lãnh đạo cũ tập trung giải phóng trẻ em khỏi những khó khăn khi tham gia hệ thống giáo dục chính quy, kích thích sự sáng tạo bên trong và khuyến khích theo đuổi sở thích thì các nhà lãnh đạo mới lại tạo ra tầm nhìn xã hội và tôn giáo cực đoan, mong muốn biến đổi nước Mỹ thành một quốc gia có nền tảng niềm tin Cơ đốc giáo.

Tuy nhiên, sau này giáo dục tại nhà phát triển nhanh chóng, trở thành một phương án giáo dục thay thế được chấp nhận rộng rãi mà không phải vì lý do tôn giáo. Một số phụ huynh lo ngại về môi trường xã hội hoặc chất lượng giáo dục ở các trường công lập địa phương, số khác tin rằng trẻ sẽ học tốt hơn bên ngoài lớp học. Nhiều người lại muốn chấm dứt tình trạng con bị bắt nạt ở trường, hoặc cũng có thể con họ gặp vấn đề sức khỏe đòi hỏi tuân thủ lịch trình riêng.

Khái niệm giáo dục tại nhà cũng dần phổ biến ở các nước khác. Song song với việc phụ huynh thoải mái để con học ở nhà, nhiều trẻ em nhận thấy phương pháp này phù hợp với tính cách cá nhân hoặc phong cách học tập của chúng.

Con dao hai lưỡi

Dù giáo dục tại nhà hợp pháp trên khắp nước Mỹ, mức độ giám sát ở mỗi bang lại khác nhau. Hầu hết tiểu bang yêu cầu phụ huynh thông báo dự định theo đuổi phương pháp này, một nửa số bang cung cấp mẫu yêu cầu đánh giá kết quả. Thông thường, các bang yêu cầu một số môn học hoặc có một số ngày hướng dẫn cụ thể. Vài bang đòi hỏi trình độ bằng cấp của phụ huynh và cũng có bang không yêu cầu bất kỳ điều gì.

Nghiên cứu cho thấy trẻ học tại nhà có thể thành công khi được hỗ trợ bởi bố mẹ. Nhiều phụ huynh rất quan tâm đến giáo dục và tạo động lực rất tốt cho con. Họ đủ điều kiện tài chính, tìm kiếm gia sư hoặc các lớp ngắn hạn cho các môn không thể tự dạy. Họ đóng vai trò hỗ trợ hoặc điều phối hơn là giáo viên. Tuy nhiên, không ai đảm bảo trẻ sẽ được giáo dục đúng cách, thậm chí sẽ không hề được giáo dục nếu bố mẹ không để tâm vào quá trình trẻ tiếp nhận kiến thức ở nhà, theo website của tổ chức phi lợi nhuận Coalition for Responsible Home Education.

Trẻ em học tại nhà thường tham gia nhiều hoạt động xã hội, được tổ chức bởi cộng đồng giáo dục tại nhà do các gia đình trong khu vực thành lập, học nhảy và khiêu vũ, đi nhà thờ, tập trung thành nhóm đi thực địa… Với khả năng kết nối qua Internet và sự ủng hộ của xã hội, cơ hội dành cho những gia đình theo đuổi phương pháp này tăng cao trong những năm qua. Dù không đến trường, trẻ vẫn có thể hòa nhập tốt với cộng đồng xung quanh.

Ngược lại, nếu phụ huynh không đáp ứng các nhu cầu xã hội cho con, chúng có thể rơi vào trạng thái cô độc, lớn lên với tâm lý ám ảnh hoặc gặp khó khăn khi tiếp xúc người lạ.

Ngày càng có nhiều bang cho phép trẻ học tại nhà đăng ký bán thời gian tại trường công lập để tham gia một số lớp học nhất định hay các hoạt động thể thao, ngoại khóa. Khoảng 20% trẻ học tại nhà đã đăng ký. Những lựa chọn cho giáo dục tại nhà trở nên linh hoạt và được nhiều phụ huynh tin tưởng.

Kết quả giáo dục tại nhà của thế hệ đầu tiên ở Mỹ, hiện khoảng 30 tuổi, cho thấy nhóm được bố mẹ theo sát quá trình học tập một cách đầy trách nhiệm có kết quả tốt ở đại học và trong cuộc sống. Trong khi đó, những ai bị gia đình lơ là việc giáo dục hoặc buộc phải học tập trong môi trường thiếu khoa học ít khi tìm được công việc thu nhập cao và khó kết nối với cộng đồng.

Trải nghiệm giáo dục tại nhà của một đứa trẻ tốt đẹp hay không gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự hy sinh, cống hiến của bố mẹ trong việc cung cấp môi trường với những điều kiện tối ưu để giáo dục kiến thức và phát triển tinh thần lành mạnh.

Nguồn: Gia đình Việt Nam