Dòng sự kiện:

Hệ lụy đau lòng từ chính sách một con của Trung Quốc

Theo Vnexpress
20:00 26/08/2017
Nhiều người già Trung Quốc phải chịu những hệ lụy về tinh thần và tài chính khi đứa con duy nhất của họ qua đời.

"Thời Mao Trạch Đông, cả chồng và tôi đều là những thanh niên trẻ. Chúng tôi tuân theo những lời kêu gọi của đảng và tuân thủ những chính sách đảng ban hành", bà Wang Aiying, 63 tuổi, ở Hàm Đan, Hà Bắc, cho biết.

Bà và chồng đã tuân thủ theo chính sách một con và điều đó khiến bà đau khổ tột cùng khi con trai qua đời năm 2015. Bà và chồng trở thành "thất độc phụ mẫu", cụm từ ám chỉ gia đình mất đi đứa con duy nhất, không có sự trợ giúp của con cái về tinh thần và tài chính khi về già, theo SCMP.

Tranh kêu gọi người dân tuân theo chính sách một con ở Bắc Kinh năm 1992. Ảnh: AFP.

Con trai của bà Wang, Chang Jia từng suýt không được chào đời. Năm 1980, khi mang thai được vài tuần, các giám đốc tại nhà hát kịch mà bà làm việc đã đến thăm và ngỏ ý muốn bà phá thai. "Họ nói tôi chưa được đến lượt", bà Wang kể. "Tại sao chứ? Các ông nghĩ đây là đồ vật à? Rằng tôi có thể trả nó lại sao?", Wang kể lại lời đối đáp của bà khi đó.

Wang, lúc đó 26 tuổi, đã thuyết phục thành công quyền được sinh đứa trẻ, nhưng ngay sau khi sinh, bà bị yêu cầu không được mang thai lần thứ hai. Bà đồng ý ký bản cam kết. "Tôi cảm thấy tự hào vì đã nghe theo lời kêu gọi của đảng", bà Wang nói. Bà hiểu và chấp nhận rằng chính sách một con phục vụ cho những lợi ích lớn hơn và cho rằng lớp thanh niên như bà khi đó nên đi theo đường lối này.

Năm 2012, con trai bà Wang bị chẩn đoán mắc ung thư gan. Quá trình điều trị không hiệu quả và hai năm sau, Chang qua đời ở tuổi 35. Bà Wang bị tổn thương tâm lý nặng nề.

Một thời gian sau khi mất con, bà Wang nộp đơn xin trợ cấp hưu trí 3000 NDT (450 USD) một tháng dành cho gia đình có một con, nhưng bà gặp rất nhiều khó khăn trong thủ tục vì đã nghỉ hưu non. "Tôi chẳng có tiền cũng chẳng có con cái", bà Wang nói trong nước mắt.

Theo báo cáo của Uỷ ban quốc gia Người cao tuổi Trung Quốc năm 2013, một triệu hộ gia đình Trung Quốc lâm vào cảnh "thất độc" và con số đó tăng thâm 76.000 hộ mỗi năm.

Những gia đình thất độc vì chính sách một con thời kỳ đầu giờ đang ở tuổi 50, 60. Nhiều trong số họ cảm thấy vô cùng lo lắng khi ở tuổi già mà không có sự chăm sóc của con cái, họ cũng tự thấy mình là đối tượng của sự khinh miệt.

"Người ta coi thường tôi vì con trai tôi đã qua đời", bà Wang nói. Hồi đầu tháng 4, xe đạp điện của bà bị trộm mất khỏi bãi để xe tại khu chung cư. Khi phàn nàn về việc bảo vệ đã quá bất cẩn, bà bị đối phương mắng ngược lại rằng bà sẽ "chết trong cảnh cô đơn không người nối dõi".

Chồng của bà, ông Chang Shunde, 67 tuổi, vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau cơn tai biến mạch máu não năm 2010. Ông đi lại không vững và thậm chí không thể nghe hay nói rõ ràng. Khi nghe những lời vợ mình nói với cánh báo chí, ông khóc và cố gắng nói: "Tôi cảm thấy rất buồn khi ngay cả những việc đơn giản nhất trong cuộc sống cũng cần phải có người giúp đỡ".

Chính sách một con của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1980. Họ kêu gọi đảng viên chỉ có một con để giữ dân số ở mức 1,2 tỷ người cho đến hết thế kỷ 20. Năm 1982, chính sách này được soạn thảo thành hiến pháp và trở thành bắt buộc. Nó đã bị bãi bỏ vào năm 2015.

"Vợ tôi bị ép phá thai khi cô ấy mang bầu đứa con thứ hai được 4 tháng", Zhao Bingyi, 66 tuổi, sống ở Hàm Đan, nói. "Giám đốc nhà máy tới nhà tôi hàng ngày, họ không ngừng thuyết phục cho đến khi chúng thôi đồng ý phá thai".

Ông Zhao Bingyi. Ảnh: SCMP.

Đứa con duy nhất của vợ chồng ông là thợ sửa điều hòa Zhao Jingxuan, đã qua đời năm 2005 do một tai nạn nghề nghiệp ở tuổi 27. "Con trai tôi là người tháo vát, sống tình cảm và biết kính trên nhường dưới. Nó gửi phần lớn số tiền nó kiếm được cho chúng tôi".

Trên tường nhà là bức ảnh chụp cháu của ông Zhao. Cô bé mất bố khi mới hai tuổi. Năm 2010, mẹ cô bé cũng đã bỏ nhà đi, chỉ thi thoảng đến thăm con vào một số dịp cuối tuần.

"Con bé thu mình và rất ít nói kể từ khi bố nó mất. Tôi rất lo lắng về điều đó nhưng chẳng biết phải làm gì", ông nói.

Với số tiền lương hưu 2.500 NDT một tháng cùng với 340 NDT trợ cấp cho gia đình thất độc mà chính quyền địa phương hỗ trợ, ông Zhao phải tìm cách xoay sở cho cuộc sống gia đình và tiền học cho người cháu. Lo sợ hàng xóm sẽ có những lời đàm tiếu về cái chết của người cha, ông đã gửi cô bé đến học ở một trường cấp hai nằm xa nơi gia đình sống. "Đó là một ngôi trường tư có học phí cao nhưng không ai ở đó biết chuyện bố nó mất sớm cả".

Ông cũng lo lắng về tương lai của chính mình. "Tôi đã 66 tuổi rồi. Tôi còn có thể sống bao lâu nữa đây? Mọi chuyện sẽ ra sao nếu tôi qua đời đột ngột? Ai sẽ chăm sóc cho cháu tôi?".

Từ năm 2013, ông Zhao đã kêu gọi sự quan tâm của xã hội và xin trợ giúp tài chính từ chính phủ. Ông tham gia các diễn đàn và kết nối với những gia đình thất độc khác trên mạng xã hội.

Năm ngoái, vào ngày 18/4, ông Zhao cùng hàng trăm gia đình thất độc trên khắp cả nước đến biểu tình tại Uỷ bản Y tế và Kế hoạch hoá gia đình tại Bắc Kinh. Tuy vậy, không ai trong ủỷ ban ra tiếp họ. Quan chức địa phương ở Hàm Đan đã đến và khuyên họ ra về. "Họ nói chúng tôi hãy ra về, họ còn hứa rằng sẽ chi trả chi phí đi lại cho chúng tôi", ông Zhao kể.

Năm nay, ông thậm chí còn gặp cản trở ngay từ ban đầu. Ông đã lên kế hoạch nộp đơn kiến nghị cùng với những gia đình thất độc khác tại Bắc Kinh hồi tháng ba. "Cảnh sát đến nhà tôi và mang theo hoa quả, họ nói rằng tôi không nên đến Bắc Kinh", ông Zhao nói. Ông tin rằng cảnh sát đã theo dõi những hoạt động trên mạng và biết được kế hoạch tới Bắc Kinh của mình.

Trung Quốc đã tăng mức trợ cấp cho những gia đình thất độc theo luật Dân số và Kế hoạch hoá gia đình. Từ năm 2007, mức trợ cấp tối thiểu đã tăng từ 100 NDT một người một tháng lên mức 340 NDT.

"Nhiều gia đình thất độc vô cùng đau khổ trước sự ra đi của con cái nên họ không đi khai tử. Vì thế, nhiều người thậm chí không hề biết đến khoản trợ cấp này", bà Wang nói.

Giáo sư Qiao Xiaochun tại Viên nghiên cứu Dân số trực thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng vấn đề tâm lý mà các gia đình thất độc phải đối mặt nghiêm trọng hơn rất nhiều vấn đề tài chính.

"Trong xã hội Trung Quốc, khi hai phụ nữ lớn tuổi gặp nhau, họ sẽ hỏi thăm nhau về con cái. Đối với những gia đình thất độc, đó sẽ là một cuộc nói chuyện đầy cay đắng", ông nhận xét.

Nguồn: Gia đình Việt Nam