Dòng sự kiện:

Học sinh bị xâm hại tình dục: Tìm lại an toàn học đường như thế nào?

Theo Lao động
06:32 28/04/2019
Chuyên gia chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em đã đưa ra lý giải nguyên nhân những sự việc dâm ô, xâm hại "nối đuôi" nhau và giải pháp để học sinh được sống an nhiên trong môi trường học đường "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Sự việc học sinh bị xâm hại tình dục, dâm ô thậm chí hiếp dâm ngay trong trường học không còn là chuyện hiếm.

Mới đây, thầy giáo Trường THCS số 2 Thượng Hà, Lào Cai)đã bị khởi tố do hiếp dâm nhiều lần khiến nữ sinh lớp 8 mang bầu 12 tuần . Trước đó, hồi cuối năm 2018, vụ hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn  (Phú Thọ) dâm ô hàng chục nam sinh từng gây rúng động.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) đã lý giải nguyên nhân những sự việc đáng buồn này lại "nối đuôi". Đồng thời, chuyên gia đưa ra giải pháp để trả lại môi trường an toàn học đường.

Học sinh bị xâm hại tình dục: Tìm lại an toàn học đường như thế nào?
BS Nguyễn Trọng An.

Những sự việc dâm ô ngày càng gia tăng ngay trong môi trường học đường - nơi ngỡ như là an toàn nhất. Vậy mong chuyên gia lý giải nguyên nhân của những sự việc này?

- Tôi vô cùng đau lòng khi chứng kiến những sự việc nhức nhối này. Dù "biết rồi, khổ lắm nói mãi" nhưng vẫn phải chỉ mặt điểm tên 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Đầu tiên, là bởi sự coi thường giáo dục gia đình. Bản thân các bậc cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục con cái trước nguy cơ bị xâm hại. Chúng ta không có chính sách hỗ trợ giáo dục gia đình. Bằng chứng là việc cán bộ xã hội ở đâu, không ai biết. Mặc dù, đã có văn bản xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ, tập trung vào cấp độ phòng ngừa, nhưng không được thực thi và giám sát thực thi.

Sau đó là từ giáo dục nhà trường. Nhà trường có bao nhiêu tiết học để dạy về kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục? Hệ thống giáo dục có bao nhiêu tài liệu hỗ trợ cho trẻ em về giới tính, tình dục, luật pháp? Văn hoá cần học nhưng kỹ năng, tình thương mới vấn đề quan trọng trong học đường.

Đáng nói, một bộ phận giáo viên có sự xuống cấp về đạo đức do nhiều năm ngành giáo dục "vơ bèo vạt tép", không quan tâm chất lượng đầu vào. Vì thế, có những "yêu râu xanh" đội lốt giáo viên, thậm chí là hiệu trưởng.

Hơn hết, pháp luật đã thực sự nghiêm minh và đủ tính răn đe hay chưa khi chỉ phạt 200 nghìn cho hành vi dâm ô thang máy ở chung cư. Hay sự việc cả 4 thanh niên tổ chức hiếp dâm nữ sinh ở Thái Bình mà chỉ phạt 3 năm tù. Những em bé này đau thêm một lần nữa khi không được bảo vệ chính đáng.

Cuối cùng, một nguyên nhân hỗ trợ là việc quản lý các chất kích thích như rượu bia thuốc lá, phim đồi truỵ, bạo lực chưa thật nghiêm minh. Tổng hoà những nguyên nhân đó khiến dâm ô ở môi trường học đường không còn hiếm.

Học sinh bị xâm hại tình dục: Tìm lại an toàn học đường như thế nào?

Vậy giải pháp gốc rễ của vấn đề này là gì? Làm thế nào để học sinh được sống an nhiên trong môi trường học đường "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", thưa ông?

- Phải thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân ở đâu, ta lại tìm giải pháp diệt đến đấy. Thứ nhất, về giáo dục gia đình, các ông bố bà mẹ hãy bớt thời gian cuốn vào cơm áo gạo tiền, hãy tham gia những lớp học để bảo vệ con từ trong trứng nước.

Nhưng quan trọng hơn, mạng lưới cán bộ xã hội, cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở địa phương đừng để đó chỉ là một vị trí trống rỗng dựng lên che mắt xã hội. Họ phải ăn, ngủ, chơi cùng với các gia đình để truyền đạt những kiến thức.

Và thực chất, họ là camera giấu kin theo dõi khu vực nào trẻ em có nguy cơ cao bị bạo lực, bị xâm hại do cha nghiện hút, bố mẹ bỏ nhau, sống cùng bố dượng... Từ đó ngăn chặn, phòng ngừa. Phòng luôn hơn chống.

Giáo dục nhà trường phải đưa giáo dục giới tính từ lúc em bé học mẫu giáo. Giáo dục tình dục và luật pháp từ năm lớp 5 hoặc lớp 6.

Hơn hết, 17 cơ quan bảo vệ trẻ em phải vào cuộc thực sự. Đừng để báo chí đưa lên thì chạy theo giải quyết hậu quả dù sự đã rồi.

Trận trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Gia đình Việt Nam