Dòng sự kiện:

Học sinh không biết đọc, biết viết tại Quảng Bình: Thông tin không chính xác

04:00 27/11/2016
Chuyện học sinh tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ (Quảng Lộc, TX Ba Đồn) không đọc được chữ, không viết được… là thông tin không chính xác.

Ngày 25/11, ông Phạm Thanh Minh _ Trưởng phòng GD&ĐT Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) khẳng định: Dư luận và báo chí đã phản ảnh chuyện học sinh tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ (Quảng Lộc, TX Ba Đồn) không đọc được chữ, không viết được… là thông tin không chính xác.

Theo đó, trong mấy ngày qua, dư luận và báo chí đã đăng tải thông tin một số học sinh là em Nguyễn Hoàng Phúc Lộc, lớp 3C; Hoàng Văn Phượng (học sinh đã ra trường năm học 2014-2015); Mai Xuân Dương (10 tuổi) tại Trường Tiểu học Cồn Sẻ không đọc được chữ, không viết được.

Bài viết của học sinh Mai Văn Dương - Học sinh khuyết tật - được đánh giá tuy không đẹp nhưng viết rõ ràng và nét chữ ổn định.

Qua xác minh, Phòng GD&ĐT Thị xã Ba Đồn đã làm rõ các trường hợp này và báo cáo lên Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình với nội dung được xác định như sau:

Đối với trường hợp học sinh Nguyễn Hoàng Phúc Lộc - lớp 3C: Là học sinh đủ điều kiện hoàn thành và đạt các kiến thức môn học và hoạt động giáo dục; đạt về phẩm chất và năng lực. Học sinh viết được, đọc được, tính toán được.

Để kiểm tra khả năng của Lộc, đoàn kiểm tra đã mở một bài tập đọc để học sinh Lộc đọc và đoàn đã thấy Lộc đọc bài khá trôi chảy, tuy nhiên còn chậm do em Lộc có tật nói lặp.

Đối với trường hợp học sinh Hoàng Văn Phượng, học sinh này đã hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2014-2015.

Qua kiểm tra hồ sơ lưu tình hình học tập của học sinh Phượng tại Trường TH Cồn Sẻ và tại Trường THCS Quảng Lộc thì kết quả kiểm tra cuối năm học 2014-2015 cho thấy: Môn Khoa học 7 điểm, Lịch sử & Địa lý 5 điểm, Tin học 7 điểm, Tiếng Anh 8 điểm; bàn giao chất lượng lên THCS các môn Toán 5 điểm, Tiếng Việt 5 điểm.

Học sinh này đủ điều kiện hoàn thành chương trình tiểu học, lên lớp 6.

Tuy nhiên, học sinh Phượng tiếp tục học tại trường THCS Quảng Lộc được một ít thời gian và đầu tháng 10/2015 đã bỏ học. 

Trường hợp học sinh Mai Văn Dương lớp 5B. Dương thuộc diện khuyết tật thiểu năng trí tuệ; Tính tình nhút nhát, hay khóc. Yêu cầu đọc thì rất ít khi đọc; khi giáo viên đọc hay khi nhìn chép thì viết được, viết nhanh. Tính toán còn chậm.

Gia đình Dương cho biết: Dương có tính ít nói, rụt rè, gặp bất kỳ ai cũng có tâm lý sợ sệt, hay khóc. Do đó, trong gia đình không ai dám nói, dám nhắc nhở việc học vì sợ tâm lý không bình thường của em.

Giáo viên Hồ Ngọc Thực - Chủ nhiệm em Dương từ lớp 3 đến nay cho biết: Vì Dương là học sinh không được may mắn nên tôi cũng luôn quan tâm đến việc học của em, đồng thời động viên bạn bè trong lớp giúp đỡ việc học của em nhưng khi yêu cầu đọc thì học sinh này không đọc (dù gọi rất nhiều lần).

Mặt khác, Dương là học sinh khuyết tật đã được xác nhận của chính quyền địa phương xác nhận do vậy việc đánh giá kết quả học tập của em Dương là dựa theo việc đánh giá diện học sinh khuyết tật của Bộ GD&ĐT chứ không đánh giá qua bài kiểm tra như các học sinh bình thường…

Ông Phạm Thanh Minh - Trưởng phòng GD&ĐT - khẳng định
và cho biết thêm: Căn cứ kết quả kiểm tra của ngành đối với từng trường hợp mà dư luận và báo chí phản ánh thì việc các học sinh này không biết đọc, không biết viết… là thông tin chưa chính xác.

Đối với học sinh tại khu vực Cồn Sẻ thì mặt bằng chung về năng lực học tập còn thấp hơn nhiều vùng khác bởi đây là khu vực khó khăn  của Thị xã Ba Đồn.

Chính vì điều kiện khó khăn như vậy nên việc học hành của học sinh ở đây vẫn chưa được coi trọng, nhiều học sinh một buổi đến trường còn một buổi lao động phụ giúp gia đình là chuyện không hiếm bởi gia đình các em đã và đang rất khó khăn.

Ngành GD&ĐT cũng đã chỉ đạo gắt gao việc thực hiện dạy và học cho học sinh đồng thời các giáo viên phải nắm bắt tư tưởng, tâm lý, hoàn cảnh để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh yếu kém trong học tập và luôn động viên học sinh đến trường… 

Giáo dục & Thời đại

Nguồn: Gia đình Việt Nam