Dòng sự kiện:

Hồn Việt trong mâm cỗ Giao thừa

07:16 24/01/2020
Chiều 30 tháng chạp. Tết đã đến thật gần. Tạm gác lại những bộn bề, lo toan mỗi gia đình Việt lại chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, rồi quây quần bên nhau sum họp gia đình, tiễn năm cũ và đón năm mới.

Không chỉ mang ý nghĩa đoàn viên, mâm cơm cúng Giao thừa còn mang ý nghĩa quan trọng trong truyền thống văn hóa tâm linh người Việt. Bởi, cho dù đi muôn nơi, Giao thừa luôn là thời khắc đặc biệt mà bất cứ ai đều mong muốn được đoàn viên, sum họp.

1

Mâm cỗ cúng đêm Giao thừa đã trở thành nét văn hoá in đậm trong tâm trí người Việt và trở thành sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình ( (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức, “mâm cơm cúng đêm 30 Tết rất quan trọng và  đã trở thành phong tục đẹp trong văn hóa tâm linh gia đình Việt. Trong lễ cúng Giao thừa, gia chủ sẽ báo những công việc mà gia đình đã làm được sau một năm với tổ tiên, trời phật và hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong năm mới".

Để sửa soạn cho mâm cúng đêm Giao thừa, gia đình phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước với đầy đủ lễ vật. Theo nghệ nhân ẩm thực dân gian Ánh Tuyết, mâm lễ cúng là minh chứng cho lòng thành tâm của gia chủ, và tùy theo từng hoàn cảnh gia đình mà bày biện sao cho phù hợp, cha ông ta vẫn gọi là “tùy tiền biện lễ”.  

Với ước vọng vươn lên, gà cúng đêm Giao thừa phải được buộc cánh tiên (Ảnh minh họa)

Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, quan trọng nhất trong mâm lễ là con gà cúng. Gà lễ phải là gà trống hoa mới gáy, đuôi dài, tướng mạo đẹp, mào cờ, lông lửa, chân nhỏ và vàng.

Trong văn hóa phương Đông, gà biểu tượng cho 5 đức:  đức thần dân là mào; đức quân nhân là cựa; đức dũng cảm là tính chiến đấu; tính tốt bụng vì luôn kiếm ăn cho cả đàn và đáng tin cậy thông qua tiếng gáy luôn chính xác. Đó cũng chính là lý do mà ngay từ xa xưa, con gà không thể thiếu trên mâm cỗ cúng đêm Giao thừa. 

Điều quan trọng nhất khi sơ chế gà cúng Giao thừa là thế của con gà. Với ước vọng vươn lên, gà cúng phải được buộc cánh tiên.

Bên cạnh đó, người Việt luôn quan niệm rằng, nếu mong muốn có một năm mới sung túc thì mâm cỗ Tết cần phải đủ đầy, tươm tất. Vì vậy, trong mâm cỗ cúng còn có nhiều món mặn ngày Tết quen thuộc tùy theo vùng miền được chế biến tinh khiết, trang nghiêm như: Bánh chưng, giò chả, xôi gấc, xôi đậu xanh… Bên cạnh đó, trên bàn thờ đêm Giao thừa cần phải có đầy đủ mâm ngũ quả, hương hoa, vàng mã, trầu cau… 

3

Những giá trị truyền thống đã đi vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt không bao giờ phai nhạt (Ảnh minh họa)

Khi mâm cỗ cúng đã tươm tất, gia chủ sẽ bày lên bàn thờ, đốt đèn nến, thắp hương trầm, thành tâm đọc văn khấn.  Trong thời khắc này, các thành viên khác trong gia đình cũng sẽ đều trang nghiêm thành kính đứng trước bàn thờ, khấn tổ tiên để cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng.

Cùng với sự thay đổi của thời gian, mâm cỗ cúng Giao thừa ngày nay cũng có nhiều thay đổi. Nhiều món ăn truyền thống có thể sẽ được thay thế, mỗi gia đình lại bài trí một mâm lễ cúng khác nhau. Ngày nay, các gia đình thường cúng lễ Giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thì đơn giản hơn với chiếc bàn nhỏ và mâm lễ vật.

Có thể nói, thời khắc Giao thừa đoàn viên bên nhau là nét văn hóa, in đậm trong tâm trí người Việt, là nét đẹp truyền thống, đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ hiếu, nguồn cội cho cháu con, nhắc nhở họ nhớ về những kỷ niệm, công đức của ông bà, tổ tiên.

Nguồn: Gia đình Việt Nam