Dòng sự kiện:

Khi con bị muỗi đốt, nếu thấy những biểu hiện này cần đưa đi viện ngay

22:00 02/09/2016
Khi phát hiện con có biểu hiện dưới đây, cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị.

Ngày 31/8 Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Lắk cho biết tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp bị viêm não Nhật Bản B.

Hai trẻ bị viêm não Nhật Bản B đó là em Nguyễn Thị Thu Sương, 14 tuổi, ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắk và em Nguyễn Thị Tâm, 15 tuổi, ở thôn 7, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin.

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, trước đó hai em Sương và Tâm đều có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa, mê sảng, co giật nên được gia đình đưa đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắc cấp cứu.

Được chẩn đoán có dấu hiệu bị bệnh viêm não Nhật Bản nặng, hai em tiếp tục được chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 để điều trị. Các bác sĩ sau khi làm xét nghiệm xác định cả hai đều dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản B.

 Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ảnh: TTXVN

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh gây nên do virus viêm não Nhật Bản, trong đó, muỗi là trung gian truyền bệnh khi hút máu động vật có chứa virus.

Sau đó, các virus này sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi trong vài ngày (tối đa 14 ngày) sẽ đủ khả năng truyền bệnh sang người thông qua đốt, hút máu người. Muỗi cái bị nhiễm virus Viêm não Nhật Bản có khả năng truyền bệnh suốt đời và có thể truyền virus sang thế hệ sau qua trứng.

Virus thường phát triển nhanh trong cơ thể muỗi ở 27-30 độ C. Nếu dưới 20 độ C thì sự phát triển của virus dừng lại. Đây là lý do tại sao bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9 và đỉnh cao là vào tháng 6, tháng 7.

Bộ Y tế khuyến cáo, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. 

Hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản cao nhất ở nhóm trẻ em từ 5 - 9 tuổi. Người lớn có nguy cơ nhiễm do chưa từng được tiêm chủng và nhiễm virus, khi đi du lịch, lao động làm việc tại nơi có dịch bệnh.

Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản B

Thời kỳ nung bệnh (ủ bệnh) của viêm não Nhật Bản B thường kéo dài từ 5 - 7 ngày, sau đó là thời kỳ khởi phát.

Thời kỳ khởi phát xuất hiện các triệu chứng như viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho…), sốt cao đột ngột (trên 39 - 40oC), kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán. Có thể có rối loạn tiêu hóa (đau bụng có kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn) nhất là ở trẻ nhỏ tuổi. Tính chất nôn là nôn vọt và không lệ thuộc vào bữa ăn (nôn bất kỳ lúc nào). Trẻ bị bệnh có biểu hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ và có thể xuất hiện lú lẫn, mất dần ý thức.

Tiếp đến là thời kỳ toàn phát. Ở thời kỳ này thì các dấu hiệu đã có ở thời kỳ khởi phát nhưng tăng mạnh lên, đặc biệt là các dấu hiệu thần kinh như cuồng sảng, ảo giác hoặc kích động, tăng trương lực cơ làm cho trẻ bệnh nằm trong tư thế co quắp “kiểu cò súng”. Co giật cũng có thể xuất hiện hoặc bị bại, liệt cứng.

Đối với loại bệnh nặng thì có thể u ám lúc ban đầu rồi dần dần đi vào hôn mê. Ngoài ra, có các dấu hiệu về thần kinh thực vật tăng lên rõ rệt như vã mồ hôi, rối loạn vận mạch dưới da (da lúc đỏ, lúc tái), rối loạn nhịp thở và tăng tiết dịch ở hệ hô hấp.

Bước sang tuần thứ 2, các triệu chứng như sốt, triệu chứng thần kinh, tim mạch dần dần giảm (gọi là thời kỳ hồi phục). Ở giai đoạn này, nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.

Vì não bị viêm làm cho não phù nề chèn ép trong khi đó, hộp sọ không thay đổi thể tích. Phần não bị chèn ép vào vùng kiểm soát hô hấp (gây viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn), tim mạch nên bệnh nhân bị hôn mê, ngừng thở, dẫn đến tử vong.

Bệnh viêm não Nhật Bản B có tỉ lệ tử vong cao (khoảng từ 20 - 80%) thường gặp ở những bệnh nặng như: có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, viêm phổi nặng. Ngoài ra có thể gặp một số có di chứng muộn sau một năm hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.

Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản B, Bộ Y tế khuyến cáo

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

- Khi đi ngủ, cần mắc màn; thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

- Với trẻ nhỏ, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Minh Sang (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam