Dòng sự kiện:

Khi con nản lòng, nên chia sẻ và giáo dục thông minh

Theo Thế giới trẻ
13:19 04/08/2018
Đôi khi, những khó khăn trắc trở gặp phải trong cuộc sống còn khiến chính người lớn nản lòng, muốn bỏ cuộc, huống hồ là con trẻ. Chính vì vậy, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, tâm lý...
Ảnh: Internet
Nản lòng kéo dài không được can thiệp khiến con tổn thương nghiêm trọng

Khi gặp những tình huống mới lạ, thử thách năng lực bản thân, nhưng khả năng của con lại chưa chạm tới những yêu cầu của hoàn cảnh. Lúc đó con sẽ cảm thất thất vọng, chán nản, và đó cũng là tâm trạng khá phổ biến.

Khi nản lòng, con thường sẽ dùng ngôn ngữ viết để bày tỏ cảm xúc của mình thông qua những dòng nhật ký. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể dễ dàng nhận ra dấu hiệu này, trong nhịp sinh hoạt bất thường của con, để kịp thời can thiệp vào câu chuyện mà con đang trải qua là gì. Nhờ đó, có thể biết được con có cần đến sự hỗ trợ của chúng ta hay không? và tìm cách hỗ trợ như thế nào?

Nếu không bắt kịp được những dấu hiệu bất thường trên để có sự can thiệp, về lâu dài sẽ sinh ra hậu quả. Khi đó, trẻ sẽ bắt buộc phải tự xoay sở, cũng có trường hợp trẻ không muốn làm phiền đến bố mẹ, cho rằng mình có thể tự giải quyết được vấn đề, nên cứ loay hoay trong câu chuyện của mình.

Tất nhiên, cả hai trường hợp này đều không tốt, nhưng do các con vẫn đang trong độ tuổi trưởng thành, kĩ năng sống chưa hoàn thiện, nên cách giải quyết vấn đề chắc chắn sẽ chưa hợp lý. Do đó, nếu chọn hai cách xử lý trên, chính các con sẽ làm cho bản thân minh bị tổn thương.

Lý do con luôn né tránh tìm đến cha mẹ khi nản lòng

Rất ít trẻ khi gặp sự thất bại, lại tìm đến những người yêu thương con nhiều nhất, điều này thực ra liên quan đến áp lực như: cha mẹ đặt lên con cái quá nhiều kì vọng. Khi không thể đạt được những điều cha mẹ mong muốn, con thường sẽ không đủ dũng cảm để thú nhận sự thất bại.

Thay vào đó, trẻ sẽ tìm đến những trang giấy trắng bởi đây là vật vô tri, vô giác không thể phản hồi ngược lại cảm xúc của con. Bên cạnh đó, dù cha mẹ không nói gì, nhưng chỉ một ánh nhìn khác thường cũng đủ tạo cho trẻ thêm sự áp lực. Một tiếng thở dài của phụ huynh, cũng có thể làm con căng thẳng và đau khổ.

Ngoài ra, người lớn luôn cho rằng con cái phải là một tấm gương hoàn hảo. Vậy nên, khi thất bại hay có những khiếm khuyết, con sẽ sợ không dám chia sẻ, mà tìm đến một kênh khác chính là bạn bè - người luôn cho con những cái vỗ vai và động viên đúng lúc đúng chỗ.

Đâu mới là xử trí nhân văn và thông minh khi con nản lòng?

Cha mẹ tuyệt đối đừng so sánh con với bạn bè khi trẻ nản lòng, bởi đó chính là một cách 'dội thêm gáo nước lạnh' vào vấn đề của con, làm mọi việc trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, cũng không nên nuông chiều, vì con sẽ nghĩ bố mẹ quá dễ tính và yêu cầu vừa phải, chỉ hiểu khả năng của mình đến đó. Suy nghĩ này, khiến con cứ mãi dậm chân tại chỗ và không có sự thay đổi.

Thay vào đó, khi con thất bại, tốt nhất hãy ngồi lại cùng con để xem vấn đề thực sự của con là gì? Câu chuyện con đang phải đối diện có ý nghĩa thế nào, với cả hành trình của mình? Nếu điều đó thực sự quan trọng, hãy cùng đi tìm nguyên nhân dẫn đến thất bại, sau đó động viên con gắng vượt lên.

Nản lòng thực ra là một cơ chế giúp chúng ta có thể kháng cự, và khắc phục được ở tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống về mặt tâm lý. Nhưng sau đó, chúng ta phải đứng lên và có kể hoạch khôi phục nó, chứ không phải bị nhấn chìm sau những thất bại.

Đôi lúc không cần nói nhiều, nhưng cách cha mẹ vượt qua mọi áp lực sẽ giúp con nhìn nhận, học theo về cách xử lý những vấn đề rắc rối. Ngoài ra, hãy giáo dục cho con biết, không một ai có thể thành công, mà đi trên con đường bằng phẳng, phải có thử thách, thất bại mới hiểu hết được giá trị của chiến thắng.

Nguồn: Gia đình Việt Nam