Dòng sự kiện:

Mách mẹ cách chữa nấc cục tức thì cho bé yêu

17:39 10/07/2015
Với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, nấc cụt là hiện tượng thường xuyên xảy ra. Cơn nấc cụt vô hại, kéo dài không lâu, tuy chẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, nhưng nếu không có mẹo trị nhanh, rất dễ làm bé thở dốc, nôn trớ.

Nấc cục là hiện tượng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Nấc cục xảy ra do sự co thắt ngoài ý muốn của cơ hoành. Cơ hoành này nằm giữa ngực và bụng, giữ nhiệm vụ quan trọng trong việc thở. Khi nó co thắt, dây âm thanh của trẻ sẽ bị đóng lại rất nhanh gây ra âm thanh đặc biệt của nấc cục. Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé nhưng bé nấc quá lâu sẽ bị mệt, thở dốc hoặc nôn trớ. Các mẹ hãy tham khảo một số phương pháp sau để giúp bé yêu không còn phải khó chịu với những cơn nấc cục.

 

Ảnh minh họa.

Làm bé phân tâm: Cũng giống như người lớn, trò chơi và đồ chơi có thể giúp bé yêu phân tâm và tạm thời quên đi cơn nấc cục. Mẹ có thể chơi ú òa, cho bé cầm đồ xúc xắc hoặc ngậm thứ gì đó.

Mát-xa lưng bé: Xoa bóp nhẹ nhàng lưng bé sẽ giúp các cơ, gân của bé được thả lỏng, nhờ đó mà cơ hoành cũng được thư giãn. Mát-xa nên kéo dài vài phút, theo hướng thẳng đứng, từ dưới lên trên vai và sẽ hiệu quả nhất khi bé đang ngồi thẳng.

Cho bé nếm đường: Mẹ có thể đặt một chút đường lên lưỡi bé cho bé ngậm trong khoảng vài phút. Vị ngọt của đường có tác dụng đưa cơ hoành về trạng thái bình thường và có thể làm hết nấc.

Vỗ lưng ợ hơi cho bé: Mẹ còn có thể giảm thiểu tốc độ của dòng chảy sữa đi vào dạ dày bé bằng cách vỗ nhẹ lưng cho bé ợ hơi. Việc ợ hơi cần diễn ra khi chuyển tiếp từ bầu sữa bên này sang bầu sữa bên kia (trong trường hợp bé bú mẹ) hoặc khi bé bú được một nửa số sữa (trong trường hợp bé bú bình). Điều này sẽ giúp em bé không bị quá no, đầy bụng và nhờ đó mà phòng chống nấc cục.

Ảnh minh họa.

Thay núm vú bình sữa: Nếu núm vú quá lớn, tức là bé nuốt phải nhiều không khí khi bú. Sữa sẽ chảy nhỏ giọt khi dốc ngược bình sữa thay vì chảy ồ ạt là đảm bảo núm vú phù hợp.

Thay đổi tư thế cho bé bú: Đôi khi bé nuốt quá nhiều không khí trong khi bú, dẫn đến hiện tượng nấc cụt. Vì vậy mẹ cần thay đổi tư thế trong khi bé bú để hạn chế lượng không khí chiếm chỗ ở trong dạ dày của bé. Ngoài ra, nếu bé bị nuốt quá nhiều không khí vào dạ dày, hãy cho bé bú với tư thế ngồi thẳng đứng.

Đảm bảo bé ngậm ti đúng cách: Một cách để ngừa nấc cục cho bé là chú ý để bé ngậm ti mẹ đúng cách, không để bé bị nuốt phải quá nhiều không khí, sẽ có tiếng bé bú mẹ theo kiểu ừng ực như nuốt chửng.

Ảnh minh họa.

Cầm bình sữa theo hướng 45 độ: Cầm bình sữa cho bé tu theo hướng 45 độ sẽ khiến không khí đọng ở lại đáy bình và lượng không khí đó sẽ không bị bé nuốt phải, nguy cơ bé nấc cụt vì thế mà cũng giảm.

Thay đổi thói quen ăn uống cho bé: Hãy cho bé ăn làm nhiều bữa. Thay vì cho bé bú cả một lượng sữa lớn trong một lần , hãy chia nhỏ bữa ăn của bé ra thành 2 lần. Việc này sẽ giúp giảm thiểu tốc độ dòng chảy của sữa từ ngực mẹ hoặc núm vú vào dạ dày bé và lượng sữa mà bé hấp thụ vào trong một lần, tránh hiện tượng dạ dày bị đột ngột căng phồng lên gây nấc cục.

Các mẹ cũng cần phải đề phòng chứng trào ngược dạ dày-thực quản. Đôi khi nấc cụt là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày- thực quản. Đây là tình trạng dịch tiết dạ dày trào ngược lên thực quản, khá phổ biến ở trẻ sơ sinh do hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt và chưa hoàn thiện.

Một số triệu chứng khác kèm theo nấc cục cho thấy bé đã bị trào ngược dạ dày-thực quản như: phun nhổ liên tục khi ăn, có biểu hiện đau bụng, khó chịu, biếng ăn, khóc dữ dội khi ăn, nôn trớ quá mạnh,... Khi nghi ngờ bé bị trào ngược dạ dày-thực quản, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay để kịp thời có biện pháp xử lí phù hợp.

Cuối cùng, các mẹ có thể dùng mật ong để chữa nấc cũng rất hiệu quả. Lấy khăn sữa nhỏ của bé hoặc cái đánh tưa dành cho trẻ sơ sinh, quấn vào ngón tay trỏ, chấm một ít mật ong rồi đưa vào miệng của bé. Cách này còn giúp bé hết tưa lưỡi.

Đối với trẻ sơ sinh, mẹ cũng có thể áp dụng mẹo nhỏ sau: bế trẻ lên rồi dùng ngón tay gãi nhẹ trên môi hoặc mang tai của bé khoảng 60 cái, nếu trẻ khóc được thì sẽ khỏi nấc nhanh hơn vì lúc đó thần kinh thực quản giãn ra, triệu chứng nấc sẽ biến mất

Lưu ý: Nếu trẻ bạn bị nấc liên tục trong 3 giờ đồng hồ thì nên đưa tới bác sĩ khám và tìm nguyên nhân nấc để được can thiệp sớm.

THƯƠNG THƯƠNG (Tổng hợp)/ Theo ĐSPL