Dòng sự kiện:

Mẹ không biết dùng gấc sẽ làm con chậm lớn, còi xương, chảy máu

02:00 24/08/2016
Ăn nhiều gấc làm thừa vitamin A, tích luỹ trong gan là trẻ chậm tăng cân, kìm hãm sự phát triển xương của trẻ, tăng chảy máu và đau xương...

Hiện nay, quả gấc được coi là siêu thực phẩm vớinhiều tác dụng đối với sức khỏe như vô hiệu hóa 75% các chất gây ung thư, ngăn chặn được chứng xơ vữa động mạch và các nguy cơ dẫn tới đột quỵ, giúp tăng sức khỏe cho mắt, da và hệ miễn dịch, giảm sưng tấy, nhuận tràng tốt cho tiêu hóa, làm đẹp với gấc...

Trong trái gấc, hàm lượng lycopen đã được kết luận cao gấp 70 lần cà chua. Người ta cũng phát hiện thấy nó chứa beta-caroten nhiều gấp 10 lần cà rốt hoặc khoai lang. Ngoài ra, các carotenoit có mặt trong gấc liên kết với các axít béo mạch dài, tạo ra kết quả là nó có tính hoạt hóa sinh học cao hơn.

Nghiên cứu hiện đại cho biết trong nhân hạt gấc có 55,3% chất lipít (béo), 16,6% chất protit (đạm), 1,8% tanin, 2,8% xenluloza, 6% nước, 2,9% chất vô cơ, 2,9% đường, 11,7% chất khoáng… Ngoài ra còn có một lượng nhỏ các men photphotoba, invedaxa…

Phân tích hóa học của quả gấc cho thấy nó có hàm lượng cao của một số chất dinh dưỡng thực vật, điều này đã gây chú ý cho một số học giả Nhật Bản và phương Tây.

Tuy nhiên những sai lầm khi ăn gấc có thể không tận dụng hết công dụng mà còn biến thành chất độc.

Gấc chín có hàm lượng lycopen cao. Lycopen thực vật trong gấc có tác dụng chống lão hóa, phòng chữa sạm da, trứng cá, khô da, rụng tóc. Ngoài ra, lycopen, betacaroten có trong gấc giúp ngăn ngừa từ xa bệnh ung thư vú, tuyến tiền liệt.

Hạt gấc có độc, không dùng qua đường uống

Mặc dù gấc rất có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên những sai lầm khi ăn quả gấc sẽ khiến chúng trở thành có hại vì có thể gây độc. Theo Đông Y, hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, độc. Việc nhiều người có thói quen giữ hạt gấc lại để làm thuốc cần thận trọng vì hạt gấc chứa độc tính, có thể gây nguy hiểm nếu dùng không đúng cách. Không nên dùng hạt gấc làm thuốc thông qua đường uống một cách bừa bãi, chỉ nên làm thuốc dùng bôi ngoài da, liều lượng chỉ nên 2-4g/ngày. Ngoài ra, khi dùng phải nướng chín hạt.

Một số nghiên cứu về thành phần dược tính của cao lỏng hạt gấc, trong đó xác định độc tính cấp LD50 (liều dùng hạt gấc khi cho chuột uống sẽ làm 50% bị chết). Theo đó, dùng dưới liều 20g/kg không làm chuột chết, còn dùng trên 180g/kg tất cả chuột đều chết.

Trẻ chậm lớn, chảy máu, đau xương vì ăn quá lượng cho phép


Gấc chứa nhiều dạng tiền vitamin A. Vitamin A là vitamin tan trong dầu, khi thừa không thải ra khỏi cơ thể hàng ngày như các loại vitamin tan trong nước, mà tích luỹ lại trong gan nên dùng thời gian dài có thể gây ngộ độc. Nếu dùng quá nhiều tiền vitamin A gây tích trữ dưới da sẽ gây vàng da.

Ở người lớn, lạm dụng vitamin A sẽ có các biểu hiện như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, khô da, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Đối với trẻ em, khi sử dụng quá lượng vitamin A cần thiết cho cơ thể, trẻ thường chậm tăng cân, tăng chảy máu và đau xương, kìm hãm sự phát triển xương làm trẻ chậm lớn…

Lạm dụng nhiều dầu gấc gây ngộ độc vitamin A

Không nên dùng quá nhiều dầu gấc trong một ngày. Người lớn mỗi ngày chỉ nên dùng 1-2ml dầu gấc, chia làm 2 lần, dùng trước bữa ăn. Khi đã dùng dầu gấc thì không ăn đồng thời các rau quả giàu beta caroten như bí đỏ, cà rốt, đu đủ... trong cùng 1 ngày hoặc liên tục trong 1 thời gian, để tránh gây vàng da.