Dòng sự kiện:

Não bộ của trẻ có thể bị tổn thương nghiêm trọng chỉ với 5 giây rung lắc

Một số thói quen tưởng chừng vô hại của người lớn có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ. Theo khoa học, những hành động rung lắc trẻ sẽ có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng ở vùng não, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi.

Phần lớn trẻ em dưới 2 tuổi đều thường xuyên quấy khóc, vì vậy mà các ông bố, bà mẹ sẽ làm rất nhiều cách khác nhau để dỗ dành trẻ. Trong đó có động tác bế con nâng lên hạ xuống hoặc tung hứng vui đùa… Không những vậy, nếu con không nín khóc, nhiều phụ huynh giận dữ đặt mạnh con xuống giường, xuống nền nhà. Những hành động tưởng chừng vô hại lúc nóng giận sẽ tác động rất lớn tới sự phát triển của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến não bộ.

(Ảnh: Francesco Menconi)

Tất cả các động tác rung lắc đều gây hại cho trẻ

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, khoa Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM cho biết: Trẻ em mà đặc biệt ở trẻ sơ sinh thường có phần đầu lớn và nặng (chiếm 25% cơ thể). Lúc này cổ của các bé còn yếu và chưa chịu được sức nặng của đầu, trong khi đó thì xương sọ lại mềm, màng não mỏng, có khoảng trống giữa não và xương sọ nên sẽ rất dễ bị tổn thương khi bị rung lắc, dù là rất nhẹ.

Bác sĩ Duy Long cảnh báo, nhiều phụ huynh thường có thói quen bế xốc trẻ trong tư thế đứng, do cổ bé yếu nên sẽ dễ bị ngửa ra trước hoặc sau, tạo ra tình trạng rung lắc. Hoặc lại có những phụ huynh thường lắc võng, đưa nôi cho trẻ, khi trẻ khóc quá thì nóng ruột hoặc bực bội rồi cố ru, cố lắc mạnh để làm cho trẻ nín. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp cha mẹ cưng nựng nên nhồi xốc bé, bồng bé đưa lên đưa xuống nhanh…

Vì xương sọ của trẻ còn rất mềm và dẻo nên sẽ không chịu được những lực rung lắc này. Lúc này lực sẽ chuyển tới não và khi não không có sự di chuyển đồng bộ thì sẽ gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, có thể làm dập não, tăng áp lực, gây phù và chảy máu trong não. Đồng thời các tĩnh mạch lớn phía ngoài não còn mỏng nên cũng rất dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng não.

(Ảnh: hoidapbacsi)

Có thể để lại di chứng suốt đời

Những tổn thương do rung lắc sẽ để lại di chứng nặng nề suốt đời ở trẻ như làm trẻ bị chậm phát triển trí tuệ, bị rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, rối loạn kỹ năng định hướng, giảm khả năng nhận thức, giảm thị lực, gây mù... Đáng chú ý là có những tổn thương sẽ kéo dài và chỉ được phát hiện khi trẻ đã lớn nên phải điều trị chuyên sâu, rất lâu dài và tốn kém.

(Ảnh: YouTube)

Các nghiên cứu khoa học quốc tế cho thấy, chỉ với 5 giây rung lắc cũng có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng. Rung lắc mạnh có thể làm não bị tổn thương vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng thì có thể dẫn đến tử vong tại chỗ.

“Khi bị rung lắc, nhẹ thì thấy trẻ giảm linh hoạt, lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, không hoặc ít khi mỉm cười. Nặng hơn thì trẻ sẽ không nhìn được, dễ co giật, nôn mửa. Trong trường hợp trầm trọng, trẻ sẽ có các biểu hiện ngừng thở, tím tái, hôn mê... khi đó, nếu không cấp cứu kịp, trẻ có thể tử vong”, Tiến sĩ Nguyễn Công Nghĩa, Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cảnh báo.

Phòng ngừa hội chứng rung lắc ở trẻ

Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, phụ huynh tuyệt đối không được đung đưa mạnh đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Bởi những tổn thương rung lắc gây ra cho não bộ trẻ không chỉ xảy ra ở thời điểm hiện tại, mà còn có thể để lại di chứng về sau.

(Ảnh: Dạy Con)

Các bậc cha mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ cũng không nên có những động tác làm thay đổi tư thế trẻ đột ngột như: bế thốc dậy, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống…

- Nếu trẻ quấy khóc hay làm một việc gì đó không vừa lòng, người lớn không nên tát, đánh vào đầu trẻ.

- Khi di chuyển trẻ thì cần giữ cổ trẻ ở tư thế tương đối cố định.

- Tuyệt đối không ôm giữ trẻ khi cãi cọ, bực tức.

Nguồn: Gia đình Việt Nam