Dòng sự kiện:

Nên chườm nóng hay chườm lạnh khi bị chấn thương?

22:25 03/11/2019
Chườm nóng hay lạnh là nỗi băn khoăn của rất nhiều người khi gặp phải chấn thương. Nếu không hiểu đúng bản chất mà chườm sai sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng nề hơn.

Trường hợp nào nên chườm lạnh

Chườm lạnh được chỉ định trong các trường hợp như đau cấp tính, viêm và các loại chấn thương mới, đau răng, đau đầu,.... Nếu bạn bị chấn thương khi chơi bóng hoặc chạy, vận động thể thao thì nên chườm lạnh.  Nguyên nhân là do, nhiệt lạnh có tác dụng chống viêm, giảm bớt nhiệt độ trong các khớp, từ đó đẩy lùi các cơn đau nhức. Khi đau đớn, các cơ bắp sẽ tiết nhiều dịch hơn, gây áp lực và cảm giác căng tức khi cơ thể di chuyển. Lúc này nếu được chườm lạnh sẽ giảm sưng tấy, làm chậm quá trình truyển tải thông tin qua các dây thần kinh, nhờ vậy mà giảm các cơn đau.

Chườm lạnh được dùng cho các trường hợp đau cấp tính hoặc các chấn thương mới (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Nếu chườm nóng trong các trường hợp này sẽ làm tăng viêm vùng thương tổn, làm nặng vết thương và lâu phục hồi.

Bạn có thể chườm lạnh bằng các cách như:

- Sử dụng túi nước đá cho vào túi chườm, hoặc một gối gel lạnh rồi chườm lên vết thương

- Đặt một chiếc khăn ẩm vào tủ lạnh khoảng 15 phút rồi sau đó lấy ra chườm lên vết thương

Đối với cách chườm lạnh này, bạn không nên sử dụng nhiệt độ chườm quá lạnh bởi chúng có thể gây tổn thương mô, không dùng nước đá ở các khu vực có vấn đề lưu thông máu kém và cũng không nên thực hiện quá 20 phút mỗi lần. Ngoài ra giữa hai lần chườm nên cách nhau khoảng 1 giờ.

Khi nào nên chườm nóng?

Chườm nóng thường được sử dụng để kiểm soát cơn đau mạn tính và những chấn thương không gây sưng như: đau thắt lưng, đau cổ vai cánh tay, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, đau khớp, đau cơ... chườm nóng giúp làm giãn mạch, tăng cường tuần hoàn, làm giảm co thắt, giảm đau tăng cường dinh dưỡng và chuyển hóa tại chỗ, từ đó có tác dụng giảm đau đối với các chứng đau mạn tính. 

nen chuom nong chuom lanh khi nao de giam dau hieu qua giadinhvietnam (2)

Chườm nóng dùng cho các trường hợp đau mãn tính hoặc chấn thương sau 48h (Ảnh minh họa)

Với hệ thần kinh cơ, chườm nóng có tác dụng an thần điều hòa chức năng thần kinh, thư giãn cơ co thắt, điều hòa thần kinh thực vật. Do đó có tác dụng tốt với các chứng đau mạn tính gây co cơ.

Bạn có thể chườm nóng bằng các cách như:

- Sử dụng nhiệt khô để chườm nóng: túi sưởi khô, phòng xông hơi

- Sử dụng nhiệt ẩm để chườm nóng: khăn nóng, vòi xịt nước nóng, tắm nước nóng

Đối với phương pháp chườm nóng này, bạn cần bảo vệ bản thân khỏi tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị sưởi ấm. Không dùng nhiệt quá nóng sẽ gây bỏng (nhiệt độ thích hợp nhất để chườm là từ 37-45 độ C). Tránh tiếp xúc kéo dài với nhiệt trị liệu toàn thân. Không chườm nóng trong khi ngủ và không chườm nóng quá 20 phút mỗi lần.

Nguồn: Gia đình Việt Nam