Dòng sự kiện:

Ngày đầu được đến trường của Bo, một cậu bé tự kỷ được yêu thương

P.V
11:56 05/03/2019
Bo là một cậu bé 8 tuổi có má phúng phính và đôi mắt tròn đen rất đáng yêu và bố mẹ đều là những trí thức ở Hà Nội nhưng ngày 1/3 vừa rồi, con mới được đến trường lần đầu tiên. Bởi vì Bo (tên thật là Đức Anh) là trẻ tự kỷ.

Ngày hôm đó, Bo nắm chặt tay mẹ, lẫm chẫm đi vào lớp… 7, ở một ngôi trường cách nhà con gần 20km. Ngay từ cổng trường, đã có nhiều anh chị đứng đợi con và ở hành lang lớp học, nhiều người đang vẫy tay gọi con rất thân thiết: “Bo ơi! Bo đến rồi này”. Trong lớp 7B2, cô giáo chủ nhiệm và nhiều anh chị đang đợi con.

Mẹ của Bo rơi nước mắt khi nhìn thấy con hạnh phúc trong ngày được đến “học” ở một ngôi trường đúng nghĩa.

Ban đầu, thấy nhiều người, Bo đã lo sợ tới mức phải kiễng chân lên ôm lấy mặt mẹ để cọ mũi với nhau – việc mà mỗi khi lo lắng, sợ hãi, Bo và mẹ thường làm vậy để ổn định tinh thần. Nhưng chỉ vài phút sau đó, lần đầu tiên, Bo được ngồi vào ghế của lớp học, bên cạnh các anh chị, được chơi với các anh chị. Con đã vui quá đến mức hát luôn 2 bài và nhảy “Baby shark” với các anh chị. Đôi mắt Bo tròn xoe cứ nhìn đi đâu đâu, điệu bộ lúng túng và những người yêu Bo đều hiểu rằng con đang rất vui.

Mẹ của Bo, chị Hiền- giảng viên của một trường đại học ở Hà Nội, đã phải lấy tay ôm lấy ngực, nơi có trái tim mình trong khi nước mắt tuôn rơi khi nhìn thấy hình ảnh này. Nhiều người có mặt hôm đó cũng đã rơi nước mắt, trong đó Hà Khánh Phương - người đã khởi xướng lên dự án này.

Để chơi được trò chuyển bóng này, Bo và các anh chị đã tập với nhau gần nửa năm. 

Không rơi nước mắt sao được vì để có buổi học đầu tiên như thế này, cả nhóm gồm Hà Khánh Phương và các bạn cùng trường ở Vinschool là Diệu Trang, Phương Nguyên, Vĩnh Xuân, Huyền Anh và Quang Minh đã chuẩn bị từ gần 1 năm trước. Bất kể trời mưa hay nắng, ấm áp hay lạnh giá, đang bận ôn thi hay gần Tết, mỗi buổi sáng cuối tuần, các em đều đi gần 20 km để đến với em Bo, chơi với em. Phải có tình yêu thương thật nhiều với Bo, các cô bé, cậu bé này mới làm được như vậy.

Cô chủ nhiệm lớp 7B2 cũng không cầm được nước mắt khi thấy Bo trong bộ đồng phục của trường, món quà cô vừa đại diện cho Trường trao cho con – học sinh danh dự trong một ngày của Trường.

Đã có rất nhiều mồ hôi, nước mắt để Bo được đến trường ngày hôm nay. 

Trước khi chia tay ra về, Bo còn đến ôm lấy các anh chị, con kiễng chân lên ôm lấy cổ và cọ cọ má từng người một. Có người cười, có người khóc và ai cũng gọi tên Bo.

Nếu đứa trẻ nào cũng tự biết bú sữa, tự biết uống nước bằng ống hút, học đánh răng qua một vài lần hướng dẫn… thì Bo phải học rất lâu mà không thể tính bằng số lần được. Riêng việc uống được nước bằng ống hút, mẹ đã phải dậy Bo trong nửa tháng. Ban đầu, mẹ phải hút nước lên cho Bo uống, sau đó là rút dần lượng nước xuống còn 2/3, ½ rồi 1/3… Cứ như vậy, hai mẹ con kiên nhẫn tập với nhau trong suốt 2 tuần, cho tới khi em có thể ngậm ống hút và uống nước.

Vậy nên khi Bo chuẩn bị vào lớp 1, chị Hiền đã phải tìm hiểu không biết bao nhiêu trường tiểu học để rồi nhận ra rằng, Bo của mình không có chỗ ở đó. Chị Hiền từng xúc động kể về một cậu bé tự kỷ 16 tuổi không có ngôn ngữ (tức là không biết nói) chia sẻ với mẹ cậu rằng “con muốn có bạn” và chị nhìn thấy hình bóng của Bo cũng như nhiều trẻ thiếu may mắn khác trong khao khát đó.

Bo và các anh chị trong nhóm dự án “A shool day for Bo”. 

Dự án này được đặt tên là “A school day for Bo”. Nó được lập ra vì tình yêu thương cùng mong muốn được chia sẻ và cả nhóm mong rằng, sau này, nó sẽ được triển khai rộng khắp ở nhiều trường học, với nhiều em bé thiếu may mắn khác, “để không chỉ Bo mà các con khuyết tật khác được một lần tới một ngôi trường thực sự, được học một ngày bên các bạn”, chị Hiền nói.

Nguồn:  Gia đình Việt Nam