Dòng sự kiện:

Người yêu cầu học sinh “hóa thân vào Chi Pu” lên tiếng

Việc giáo viên ra đề thi học kỳ I môn Ngữ văn, năm hoc 2017-2018 của khối 10 trường THPT Hạ Hòa - tỉnh Phú Thọ, yêu cầu học sinh “hóa thân vào Chi Pu” đang khiến dư luận quan tâm. PV báo Pháp luật & Xã hội đã có cuộc trao đổi lãnh đạo nhà trường, xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Tiến Đường - Hiệu trưởng trường THPT Hạ Hòa tỏ ra khá dè dặt, khi được hỏi về việc những ngày qua trên mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng việc ra đề kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn của nhà trường không bám vào nội dung chương trình; nhân vật được lựa chọn để hướng học sinh hóa thân vào không phải là đối tượng phù hợp.

Thực tế, có nhiều phụ huynh học sinh thắc mắc có biết bao tấm gương người tốt, việc tốt sao nhà trường không chọn để tuyên truyền, định hướng giáo dục, đưa các em hóa thân, để các em cảm hiểu và chia sẻ? Bao điều tốt đẹp, nhân văn không định hướng cho các em mà các thầy cô lại lựa chọn để đưa các em học sinh rơi vào những bon chen, giải trí bình thường trong giới showbiz.

Đề thi Ngữ văn yêu cầu học sinh "hóa thân vào Chi Pu"

Trước câu hỏi của PV, nhà trường dựa vào quy định nào để đưa ra đề kiểm tra với nội dung yêu cầu học sinh “hóa thân” vào ca sĩ Chi Pu như vậy?” Ông Nguyễn Tiến Đường cho biết: “Việc ra đề tôi đã giao cho Tổ Xã hội mà cụ thể ở đây là nhóm giáo viên dạy Ngữ văn, họ sẽ chịu trách nhiệm về mặt kiến thức và nội dung theo quy định của ngành Giáo dục”.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Đường, đề thi môn Ngữ văn có nội dung đang khiến dư luận xôn xao, được xây dựng theo hướng mở. Để tìm hiểu sâu hơn PV cũng được nhà trường sắp xếp làm việc với nhóm giáo viên Ngữ văn trực tiếp ra đề.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn – GDCD cho biết, việc ra đề thi căn cứ vào quy trình, cấu trúc ma trận trước khi ra đề kiểm tra. Hơn nữa lớp trong chương trình học Văn của lớp 10 có dạng bài văn tự sự nên việc ra đề làm sao đó để học sinh hóa thân vào nhân vật.

Hóa thân vào Chi Pu liệu có phù hợp?

“Phần lớn người đọc không hiểu và không phân biệt rõ nên có sự hiểu lầm. Đây không phải là văn nghị luận mà là văn tự sự nên cần bám sát vào đời sống xã hội đương đại”– bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết.

Vấn đề ở đây là “tại sao có rất nhiều tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ trong phong trào thi đua yêu nước mà những người ra đề thi không lựa chọn làm nhân vật để đối tượng người học hóa thân, hoặc có thể theo hướng mở để các em tự lựa chọn nhân vật theo ý muốn chủ quan để được thể hiện cái tôi của mình mà lại chọn nhân vật từ giới showbiz, một nhân vật đang gây nên những lùm xùm?”.

Trước những câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung giải thích lý do nhóm ra đề thi chọn nhân vật Chi Pu là bởi muốn học sinh đặt mình vào hoàn cảnh của cô ca sỹ đang bị giới văn nghệ sỹ miệt thị, ném đá nhưng cô không chịu lùi bước mà vẫn cố gắng thực hiện niềm đam mê của mình…

Theo TS Văn học Phạm Hữu Cường, đề thi có hình ảnh Chi Pu giúp cho học sinh có khả năng hóa thân, tưởng tượng mình vào nhân vật để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ. Đề thi cũng hướng học sinh quan tâm đến các vấn đề thời sự của cuộc sống. Tuy nhiên, đề thi không có tính giáo dục cao khi đề cập đến câu chuyện các nghệ sĩ "ném đá" nhau. Giáo viên không nên để học sinh quan tâm những câu chuyện lùm xùm trong giới showbiz, vì không phù hợp với lứa tuổi của các em.

Thiết nghĩ việc ra đề mở là cần thiết và mang tính tích cực và giúp cho học sinh có cái nhìn thực tế hơn nhưng mở cũng phải trong giới hạn, không nên quá rộng, không phù hợp với lứa tuổi hoặc những vấn đế có tính giáo dục không cao. Nên chăng Bộ Giáo dục nên có định hướng và quy định giới hạn việc ra đề Ngữ văn sao cho phù hợp với lứa tuổi và xu thế phát triển trí tuệ của các em.

Sau chuyện này, mong rằng ngành giáo dục Phú Thọ cần rút kinh nghiệm và kiểm duyệt việc ra đề trước khi đưa vào ngân hàng câu hỏi.

Nguồn: Gia đình Việt Nam