Dòng sự kiện:

PGS muốn viết 'giáo dục' là 'záo zụk’: Nếu nhìn chữ, tôi thấy ngớ ngẩn

Zing.vn
07:30 26/11/2017
PGS.TS Bùi Hiền nêu đề xuất đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31. Lý do ông đưa ra đề xuất này vì cho rằng chữ quốc ngữ gây khó khăn cho người học.

PGS.TS Bùi Hiền (nguyên hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt".

Đề xuất này của PGS.TS Bùi Hiền được nêu trong bài Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế thuộc cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển, tập 1, dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại ĐH Quy Nhơn hồi tháng 9.

Ông Bùi Hiền cho rằng trải qua gần một thế kỷ, đến nay, chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...

Những bất hợp lý PGS Bùi Hiền đưa ra gồm: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)… Bên cạnh đó, dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).

Từ đó, ông kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước.

Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.

Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có ký tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng ký tự ghép n' để biểu đạt.

-  Tại sao ông có ý tưởng đề xuất cải cách chữ cái Tiếng Việt?

- Tên công trình khoa học của tôi là "Cải tiến chữ quốc ngữ", phải cải tiến vì Tiếng Việt hiện tại có một số bất cập. Tôi là nhà nghiên cứu về ngôn ngữ nhưng chưa tin hẳn mình viết đúng chính tả.

Khi làm việc, tôi thường dùng thêm một cuốn từ điển bên cạnh để tìm hiểu về việc dùng cá từ như "X - S", "Ch - Tr"…. Nếu dựa vào tiếng Hà Nội (tức tiếng thủ đô), không phân biệt "X -S", "Ch - Tr".

Tôi lấy vị dụ như khi phát âm từ "Xa gần" hay "Sa mạc" thì cũng phát âm như nhau cả. Hai ký tự biểu hiện một âm là thể hiện sự vô lý và thừa. Học sinh khi học cũng gặp khó khăn.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp âm tiết khác như "Ch - Tr". Ví dụ, từ "Châu -Trâu", nếu tiếng Hà Nội thì khi nói đều chỉ gọi chung một âm tiết.

Chúng ta mất khá nhiều thời gian để học Tiếng Việt. Chẳng hạn, ngoài việc học chữ "G", chúng ta lại mất thêm thời gian học các chữ như "G, Gi, Gh" mới xong một âm. Khi ghép và viết lại tốn thêm một khoảng thời gian nữa.

Thời đại kỹ thuật số đòi hỏi mỗi ký tự phải tương ứng với một âm. Nếu có tới 3-4 ký tự biểu hiện cho một âm tiết thì rất tốn kém về mặt thời gian.

Chúng ta hãy làm phép thử so sánh học bảng chữ cái hiện hành với bảng chữ cái theo đề xuất của tôi thì sẽ thấy đề xuất giảm còn 31 chữ sẽ rất dễ nhớ, dễ học.

- Đề xuất của PGS nhận được ý kiến trái chiều của dư luận khi cho rằng chữ cải tiến giống "teen code". Khi đọc những ý kiến phản ứng với đề xuất này, ông nghĩ sao?

- Tôi đã nhen nhóm ý tưởng và đầu tư nghiên cứu công trình này trong gần 20 năm. Công trình nghiên cứu của tôi thực ra vẫn chưa hoàn thành và còn dang dở, mới báo cáo ở hội nghị khoa học của ngành ngôn ngữ.

Khi một số cơ quan truyền thông đọc được ở đó và nhận thấy đấy là vấn đề hay và đưa ra nhưng họ lại chưa tìm hiểu kỹ về cơ sở khoa học của nó, vì vậy khi đăng tải lên báo chí khiến vấn đề bị "ném đá".

Đứng về mặt mỹ học, thẩm mỹ, nhìn chữ cải tiến so với chữ cũ thì dễ gây phản ứng khó chịu. Bản thân tôi nếu nhìn chữ cải tiến cũng thấy ngớ ngẩn.

Vấn đề được nêu lên báo chí chỉ là phần cuối của kết quả tôi nghiên cứu. Vì vậy, phản ứng của họ phản đối cũng là tất yếu khi thói quen của nhiều người vẫn chứa đựng tính bảo thủ, phản xạ phủ nhận.

- Ông dự định sẽ tiến hành hoàn thiện chữ cải tiến như thế nào?

- Dự kiến, vào hội nghị ngôn ngữ tháng 3/2018, tôi sẽ trình bày phần còn lại của công trình nghiên cứu về nguyên âm để có dược hệ thống cấu thành nên chữ viết (gồm phụ âm và nguyên âm). 

Dư luận có thể làm so sánh giữa 2 bảng chữ cũ và mới thì thấy chữ mới ngắn gọn đơn giản, dễ viết, dễ nhớ.

Theo thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, Tiếng Việt và chữ viết ghi âm Tiếng Việt cũng có một lịch sử hình thành và phát triển với rất nhiều thay đổi.

Trong đó, chữ quốc ngữ với hệ thống chữ cái La-tinh được coi là ưu việt nhất vì dễ đọc dễ viết, phát âm như thế nào ghi lại như vậy. Điều đó thuận lợi cho phổ cập dân trí, in ấn và xuất bản và các hoạt động giáo dục và văn hóa khác.

Những đề xuất cải biến chữ viết ghi âm tiếng Việt hoàn toàn có tính khoa học nhưng chỉ là những nghiên cứu có tính chất lý thuyết khó có thể áp dụng thực tiễn.

Nguồn: Gia đình Việt Nam