Dòng sự kiện:

Phương pháp giáo dục mới đang vướng “rào cản"

Theo Báo Hải Quan
06:38 25/06/2018
Hiện có nhiều phương pháp giáo dục trẻ của các nước trên thế giới đang được áp dụng ở một số trường mầm non Việt Nam. Song do vướng các quy định, điều kiện kinh doanh nên những phương pháp này vẫn chưa được công nhận, do đó hiện nhiều trường vẫn đang phải làm chui.

Không công nhận nên phải làm chui

Bà A.H, đại diện cho một cơ sở giáo dục mầm non dạy theo phương pháp giáo dục Montessori tại Hà Nội chia sẻ: Đối với phương pháp giáo dục Montessori trẻ sẽ được học tập ở 5 lĩnh vực học tập, cụ thể: Ngôn ngữ, văn hóa khoa học, toán học, thực hành cuộc sống, cảm quan, nhằm mục đích phát triển 5 giác quan của trẻ, từ đó hoàn thiện các kỹ năng. Hiện có hàng nghìn trường mầm non trên thế giới công nhận và áp dụng phương pháp giáo dục Montesori. Phương pháp này cũng đã du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây và hiện đang là thời kỳ bùng nổ việc áp dụng phương pháp giáo dục Montessori ở các trường mầm non. Tuy nhiên, hiện phương pháp này vẫn chưa được công nhận áp dụng ở các trường mầm non Việt Nam nên một số trường phải... dạy chui.

Hiện nhiều trường mầm non đang áp dụng các phương pháp giáo dục mới của các nước trên thế giới. Ảnh: S.T.

Theo bà A.H, chi phí đào tạo giáo viên mầm non về phương pháp giáo dục Montessori đắt đỏ. Còn đối với một số trường ở Việt Nam mời giảng viên nước ngoài về giảng dạy cho một phụ tá (trợ giảng đứng lớp hoặc bố mẹ đi học về dạy con) về phương pháp giáo dục Montessori sẽ có mức học phí từ 18-20 triệu đồng, đối với giáo viên chi phí khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhu cầu về giáo viên dạy phương pháp giáo dục Montessori ở Việt Nam đang thiếu nên xảy ra hiện tượng một số trường cử người đi học (trong hoặc ngoài nước) sau đó về truyền đạt lại cho giáo viên khác. Do vậy, không phải giáo viên mầm non nào dạy phương pháp giáo dục Montessori ở Việt Nam cũng được các tổ chức về Montessori cấp chứng chỉ hành nghề.

Nhưng đáng nói hơn, doanh nghiệp của bà A. H cũng đang gặp khó khăn do vướng mắc các điều kiện kinh doanh. Bà A.H chia sẻ: “Hiện chứng chỉ về phương pháp giáo dục Montessori của tôi được công nhận trên toàn thế giới và có thể giảng dạy bất kỳ trường mầm non nào. Tuy nhiên, chứng chỉ của tôi lại không được công nhận ở Việt Nam do phương pháp này chưa được chính thức cấp phép hoạt động ở Việt Nam”.

Theo bà A. H, để có thể đưa phương pháp giáo dục Montessori, trường đã phải lập hồ sơ cấp phép hoạt động giống như cơ sở giáo dục truyền thống. “Những học cụ của phương pháp giáo dục Montessori khác hoàn toàn với phương pháp giáo dục trẻ truyền thông của Việt Nam nên mỗi lần có đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT chúng tôi phải cất nhiều dụng cụ liên quan đến phương pháp giáo dục Montessori và trang trí phòng học những đồ chơi bằng nhựa. Như vậy, sẽ rất tốn kém cho doanh nghiệp, không minh bạch, trong môi trường giáo dục trẻ em cần trung thực mà chính chúng ta phải gian dối”. Bà A. H cho biết.

Bà A.H mong muốn Bộ GD&ĐT công nhận những phương pháp giáo dục mới này. Sau đó, Bộ GD&ĐT cũng cần quy định rõ để các doanh nghiệp, nhà trường thực hiện là để công nhận phương pháp này nhà trường cần phải đạt được những tiêu chí nào.

Không nên đòi hỏi cái gì cũng chi tiết

Hiện phương pháp giáo dục Reggio Emilia cũng đang bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam, tuy nhiên, những trường áp dụng phương pháp để giáo dục trẻ cũng gặp vướng mắc về pháp lý. Bà L. P. T. chủ một cơ sở giáo dục mầm non tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Với phương pháp tiếp cận Reggio trẻ được học trên những học liệu mở, thô và tự nhiên nên khó kiếm và có giá thành đắt. Trẻ sẽ dựa vào những học liệu nguyên bản do giáo viên cung cấp để sáng tạo ra sản phẩm dựa vào trí tưởng tượng của mình”.

Tương tự như phương pháp giáo dục Montesorri, phương pháp giáo dục Reggio cũng được Bộ GD&ĐT chấp nhận đưa vào giới thiệu ở các trường mầm non của Việt Nam. Tuy nhiên, đặc thù chuyên môn của phương pháp này là “Giáo viên dạy phương pháp tiếp cận Reggio chỉ được các nước trên thế giới cấp chứng nhận, không phải là chứng chỉ và càng không có dấu đỏ trên tấm chứng nhận đó. Trong khi đó, Việt Nam luôn đòi hỏi giáo viên phải có bằng cấp và con dấu đỏ. Nên việc này cũng khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình cấp phép hoạt động”, bà L.P. T. cho biết.

Bà L.P.T. mong muốn, khi Bộ GD&ĐT mở cửa cho phương pháp giáo dục mới được công nhận chính thống ở Việt Nam thì hãy để ý đến đặc thù của từng phương pháp. Bởi với tư duy quản lý hành chính như của Việt Nam, cái gì cũng phải có bằng cấp, chứng chỉ thì phương pháp tiếp cận Reggio Emilia sẽ không khả thi và khó được công nhận. Bởi bản chất của phương pháp này không có giáo viên nào được cấp chứng chỉ về Reggio. Việc này không phải do chất lượng của phương pháp giáo dục này kém hơn các phương pháp khác, mà do đặc thù của phương pháp thì Nhà nước phải công nhận.

Bà L.P.T. cũng cho biết, hiện trong Luật Giáo dục không có quy định nào cấm các trường áp dụng phương pháp giáo dục mới, nhưng lại có ràng  buộc trong đề án xin cấp phép thành lập trường. Theo đó, trong đề án thành lập trường yêu cầu  doanh nghiệp viết rõ phương hướng hoạt động, chiến lược hoạt động… Nếu trong đề án, doanh nghiệp viết phương án hoạt động theo phương pháp giáo dục Montessorri, Reggio chắc chắc sẽ không được các cơ quan quản lý chấp nhận và cấp phép hoạt động. 

"Bản chất của luật là luôn đi sau xã hội nên tại thời điểm Bộ GD&ĐT sửa đổi luật vẫn đi sau cuộc sống, tuy nhiên đó là bước tiếp theo mở ra thị trường giáo dục. Theo tôi, việc Bộ GD&ĐT đưa ra điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp nên dựa trên khung pháp lý không nên đưa ra cụ thể, liệt kê", chủ cơ sở giáo dục mầm non trên chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, các trường có thể dựa vào chương trình khung do Bộ GD&ĐT quy định để áp dụng phương pháp giáo dục mới, còn việc áp dụng phương pháp giáo dục nào sẽ do nhà trường quyết định. Đối với phương pháp giáo dục Montesorri đã có nhiều cơ sở giáo dục mầm non áp dụng và không bị cấm.

Bộ GD&ĐT cũng không có quy định cứng cấm những phương pháp giáo dục nước ngoài không được thực hiện trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và công lập, cơ sở mầm non có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, các trường phải bám sát khung chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT để áp dụng các mới áp dụng vào trường. Nhiều năm nay, các trường mầm non cũng đã áp dụng phương pháp giáo dục mới vào giảng dạy.

Bà Hiếu cũng chỉ ra thực tế: “Trong quá trình đi kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện một số cơ sở giáo dục mầm non áp dụng các phương pháp giáo dục của nước ngoài không đến nơi đến chốn. Như một số trường còn treo bảng biểu về phương pháp giáo dục nước ngoài, khi các cơ quan quản lý giáo dục đến kiểm tra thì được chủ cơ sở giáo dục cho biết, do phụ huynh thích tên tây nên phải đề tên có tính nước ngoài để phụ huynh gửi trẻ đến. Các nhà đầu tư hãy nhìn ở góc độ kinh và góc độ quản lý giáo dục để thực hiện các quy định cho tốt”. 

Trước những vướng mắc của một số cơ sở giáo dục mầm non khi áp dụng phương pháp giáo dục của nước ngoài vào giảng dạy, bà Hiếu cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng xem lại vấn đề quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ở các địa phương. Bởi hiện nay, phân cấp quản lý giáo dục đối với giáo dục mầm non do xã, phường quản lý. Tuy nhiên, có một số địa phương quản lý chưa đúng với tinh thần của Bộ”

Nguồn: Gia đình Việt Nam