Dòng sự kiện:

Sán lợn bị tiêu diệt khi nào, có nguy hiểm không?

05:59 20/03/2019
Nhiễm sán lợn thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Nhiễm sán lợn có nguy hiểm không?

Theo VTC, đến hết ngày 17/3, tổng số trẻ ở Bắc Ninh đi xét nghiệm là 1.700 em, trong đó 209 em dương tính với kháng thể sán lợn. Dự kiến con số sẽ tiếp tục tăng, bởi các phụ huynh vẫn đang đưa con đi khám và xét nghiệm tại các bệnh viện.

Trước thông tin trên, rất nhiều người tiêu dùng lo lắng khi nếu lỡ mua phải loại thịt lợn nhiễm sán về ăn thì hậu quả ra sao, và chế biến thức ăn ở nhiệt độ nào mới không lo bị nhiễm sán lợn?

Ai cũng lo sợ trước bệnh sán lợn hoành hành nhưng thực tế thì mức độ nguy hiểm của nó đến đâu? (Ảnh minh họa: Dân Trí)

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính (Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết: "Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Dù vậy, đây không phải là bệnh cấp tính nên các phụ huynh cần bình tĩnh để tìm ra phương án giải quyết. Khi nghi ngờ con có giun sán thì nên đưa đến bệnh viện gần nhất để khám ngay". 

GS Kính cũng cho hay, sán lợn không phải là bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được nên phụ huynh không cần quá lo lắng khi các con có kết quả dương tính với sán lợn. Đối với trẻ nhỏ, ngoài do tiêu thụ nguồn thực phẩm nhiễm ấu trùng sán lợn thì việc chơi đùa ở các môi trường không đảm bảo vệ sinh cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm giun sán. Ở Việt Nam, vì là đất nước nhiệt đới nên việc nhiễm ký sinh trùng giun sán là điều khó tránh khỏi. Bệnh sán lợn cũng thường phổ biến ở những tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và một số tỉnh vùng Trung du.

Sán lợn sẽ chết nếu thức ăn được đun nấu ở 80 độ C

Chia sẻ với VTC, bác sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, sán lợn sẽ chết ở nhiệt độ 80 độ C. Bởi vậy, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện ăn uống đảm bảo vệ sinh, ăn chín, uống sôi, không ăn đồ sống hay tái chín.

Việc điều trị sán lợn hiện nay cũng khá dễ dàng, bởi sán lợn không phải bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể chữa khỏi được vì đã có thuốc đặc trị.

“Các loại thuốc thường dùng hiện nay để điều trị sán lợn là Praziquantel và Albendazole. Tùy thuộc vào mức độ và thể trạng mà bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị với từng người. Nhưng người dân nên được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán”, bác sĩ Thiều nói.

Nguồn: Gia đình Việt Nam