Dòng sự kiện:

Sáu cách phụ huynh giúp con nâng cao trí tuệ và sáng tạo

Theo VNE
19:48 25/09/2017
Cha mẹ nên trả lời câu hỏi của con bằng thái độ tích cực, hạn chế đặt ra nhiều quy tắc, khuyến khích con chấp nhận thất bại.

Giúp con phát triển trí tuệ và khả năng sáng tạo là điều bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể làm được nếu kiên trì. Dưới đây là sáu cách được chuyên gia chia sẻ trên Lifehack phụ huynh có thể áp dụng.

1. Trả lời câu hỏi của con bằng thái độ tích cực

Cách bạn trả lời những câu hỏi của con ảnh hưởng rất lớn đến thái độ tiếp cận kiến thức của chúng. Nếu dửng dưng hoặc phớt lờ những câu hỏi, bạn sẽ khiến con không muốn thử những thứ mới, khiến chúng thận trọng, giới hạn những trải nghiệm của bản thân. 

Thay vào đó, hãy khuyến khích con bằng cách đặt những câu hỏi gợi mở, kích thích trí tò mò và tạo ra không gian để con suy nghĩ về mọi thứ xung quanh. 

2. Hạn chế đặt ra quá nhiều quy tắc

Việc đặt ra quy tắc là cần thiết trong quá trình dạy con nhưng bạn không nên quá lạm dụng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng số lượng quy tắc trong mỗi gia đình ảnh hưởng lớn đến sự sáng tạo và trí tuệ của trẻ.

Vì vậy, các gia đình chỉ nên duy trì một số ít quy tắc cốt lõi. Điều đó sẽ cho phép con có không gian và thời gian nhiều hơn cho các hoạt động. Hạn chế số lượng quy tắc sẽ có lợi cho sự phát triển trí tuệ dài hạn của con.

3. Cho phép con được buồn chán

Buồn chán thường được xem là thứ cảm giác tiêu cực nhưng không phải lúc nào cũng xấu. Khoảnh khắc buồn chán sẽ kích thích sự suy nghĩ, sáng tạo của con, giúp con nghĩ ra những hoạt động mới để thoát khỏi cảm giác đó. Vì vậy, bạn không nên để con "muốn gì được nấy" khi thấy chúng buồn chán. Ngược lại, hãy để con tự vận động trí óc. Điều đó sẽ giúp não bộ của con phát triển hơn.

4. Hãy là tấm gương cho con

Trẻ nhỏ thường quan sát và tiếp nhận mọi thứ, đặc biệt là hành vi của cha mẹ. Vì vậy, bạn nên thường xuyên đọc, viết và làm những việc sáng tạo. Điều đó sẽ khiến con bắt chước bạn và trở nên thông minh hơn trong quá trình đó.

Bạn nên chia sẻ cả những khó khăn đã gặp phải và cách bạn vượt qua để thanh công. Khi trò chuyện với trẻ, bạn không nên tập trung quá nhiều vào những kết quả tốt đẹp đã đạt được. Thay vào đó, hãy kể lại con đường đi đến kết quả để con suy nghĩ và có thái độ cố gắng hơn.

5. Khuyến khích con chấp nhận thất bại và rủi ro

Phụ huynh nào cũng muốn con không phải trải qua những cảm giác buồn bã nhưng quá bao bọc, bạn sẽ khiến lòng tự trọng của con không cao, khiến con không có động lực để học tập và sáng tạo. Ngược lại, nếu để con đối mặt với rủi ro và thất bại, bạn sẽ giúp con bớt sợ hãi và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bạn hãy giải thích để con hiểu thất bại không hẳn là điều xấu mà còn là trải nghiệm sống tuyệt vời cho phép con đưa ra những quyết định thông minh, học hỏi từ những thăng trầm của cuộc sống. Một đứa trẻ được trải nghiệm tất cả cung bậc cảm xúc chắc chắn thông minh và bản lĩnh hơn.

6. Biến đọc sách và nghe nhạc trở thành thói quen của con

Đọc sách giúp não bộ của trẻ xử lý các tình huống, tưởng tượng và tạo ra những viễn cảnh xa hơn cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Cho con tiếp xúc sớm với việc đọc sách, bạn sẽ khiến con khát khao kiến thức hơn, giúp con kết nối với thế giới xung quanh.

Âm nhạc có thể tạo ra những hiệu ứng tuyệt vời cho hoạt động não bộ của một đứa trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc trẻ nghe nhạc không chỉ làm tăng sự chú ý, khả năng ghi nhớ mà còn làm giảm sự căng thẳng một cách hiệu quả. Bạn có thể cho con học chơi một loại nhạc cụ vì nó có tác dụng trong việc phát triển tư duy và khả năng lý luận của con, giúp con thông minh và sáng tạo hơn.