Dòng sự kiện:

'S.O.S Sói trắng' của Lê Hoàng: Kịch bản yếu, nặng giáo huấn

Theo Vnexpress
07:30 18/06/2017
"S.O.S Sói trắng" lên án nạn lạm dụng tình dục trẻ em nhưng kịch bản và diễn xuất nhiều lỏng lẻo.

S.O.S Sói trắng do Lê Hoàng đạo diễn kiêm biên kịch, đánh dấu sự trở lại của anh sau 5 năm vắng bóng với phim ảnh. Phim có thời lượng 100 phút, xoay quanh chủ đề lạm dụng tình dục trẻ em - vấn đề thời sự.

Đạo diễn thực hiện phim trong thời gian ngắn, bấm máy ngày 4/4, đến ngày 16/6 phim đã ra rạp.

Jimmy Trần (Tim) là một ca sĩ nổi tiếng. Trong dịp tình cờ, anh giúp đỡ một cô gái xinh đẹp tên Ly (Quỳnh Hương). Hai người dần nảy sinh tình cảm.

Sau đó, đứa em trai học tiểu học của Ly bị lạm dụng tình dục. Không ai biết hung thủ là ai. Cuộc điều tra tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì một vụ ấu dâm khác diễn ra ngay trong buổi quay quảng cáo của chàng ca sĩ.

Câu chuyện về tình yêu, giới showbiz chỉ là màn dạo đầu trước khi phim bàn đến chủ đề chính. Các cảnh lạm dụng tình dục trẻ em được thể hiện bằng lối cắt cảnh nhanh các động tác mạnh bạo của hung thủ, tiếng kêu gào của trẻ em... với mong muốn để khán giả cảm nhận tội ác.

Ngoài ra, đạo diễn còn vận dụng cách kể hàm ý để mô tả ấu dâm. Tiêu biểu cho thủ pháp này là cảnh đan xen, trong lúc nạn nhân đang bị tấn công, chị của bé đang xem cảnh cưỡng hiếp trong phim Cánh đồng bất tận ở rạp, ngụ ý để khán giả liên tưởng đến vấn đề.

Điểm yếu của phim nằm ở cách tiếp cận vấn đề còn đơn điệu, tạo cảm giác giáo huấn người xem hơn để câu chuyện thuyết phục một cách tự nhiên.

Nhân vật trong phim nhắc lại nhiều lần các từ "ấu dâm". "lạm dụng tình dục" một cách không cần thiết. Có lúc, họ trao đổi những đoạn thoại dài với nội dung như "trả bài" từ sách vở.

Ở đoạn cuối, cảnh hàng nghìn khán giả đứng lên phản đối hung thủ được thể hiện nặng tính công thức. Điều này khiến phim mang màu sắc chậm chạp trong nhịp điệu và cũ kỹ trong cách thể hiện, chứ không phải một tác phẩm điện ảnh hiện đại.

Tim (trái) và Hải Triều đóng phim về ấu dâm.

Tâm lý các nhân vật cũng thay đổi xoành xoạch, thiếu logic. Lúc đầu, Ly quả quyết Jimmy gây án và thể hiện căm phẫn bằng cách lao vào đánh anh ngay chốn đông người.

Tuy nhiên, chỉ cần một lời giải thích chóng vánh từ anh, cô tha thứ và hai người tiếp tục yêu nhau. Bác sĩ vừa khuyên cô gái không nên vạch mặt hung thủ để tránh ồn ào, ảnh hưởng tâm lý đứa bé, thì chỉ một lúc sau lại bảo phải "đưa hung thủ ra ánh sáng".

Gây khó hiểu nhất cho khán giả là nhân vật phản diện. Sau khi gây án, hắn lẩn trốn cô gái, rồi lại thuyết phục cô, rồi tiếp tục gây án và lại tìm cách giải thích.

Trong cao trào khi bị phát hiện, nhân vật bỗng nhiên đổ gục và van nài tha thứ, rồi bỏ đi như không có gì xảy ra. Ở buổi chiếu ra mắt hôm 14/6, không ít khán giả đã bật cười ở đoạn này dù đây là cảnh tâm lý.

Có thể thấy, kịch bản muốn xây dựng kẻ phản diện là nhân vật hai mặt, biết rõ việc mình làm là tội ác nhưng không thể cưỡng lại được dục vọng bản thân. Tuy nhiên, cách sắp đặt tình huống sơ sài và lời thoại giả tạo khiến nhân vật bị cường điệu hóa.

Về mặt kỹ thuật, phim mới của Lê Hoàng tròn trịa ở bối cảnh nhà cửa, sân khấu. Tuy nhiên, phần dựng phim tạo cảm giác chắp vá, không liền mạch giữa các cảnh.

Ở đôi chỗ, nhà làm phim sa đà vào các cảnh không liên quan đến chủ đề chính, như phần ca hát kéo dài vài phút của Tim, hay trích đoạn bạn gái mới (Song Ngư) của chàng ca sĩ cởi áo ngoài khoe nội y trên xe do anh cầm lái. Nhiều lúc hình và tiếng trong phim không đồng bộ, hoặc cảnh bị mất âm thanh trong khoảnh khắc ngắn.

Lê Hoàng cùng Quỳnh Hương - nữ diễn viên chính của phim.

Đóng vai chính, Tim có tiến bộ so với các phim trước, nhưng vẫn chưa đủ sức thể hiện nhân vật mang nhiều sắc thái tâm lý. Ở cao trào, lối diễn của nam ca sĩ nặng tính sân khấu, thiếu tự nhiên.

Người mẫu 20 tuổi Quỳnh Hương còn non kinh nghiệm trong vai nữ chính. Cô chỉ diễn tốt các cảnh yêu đương của tuổi trẻ, nhưng đến các đoạn nặng tâm lý, biểu cảm của Quỳnh Hương bị quá lố. Khi biết tin em trai bị xâm hại, Ly khóc ngất ở bệnh viện nhưng cảnh diễn này không lột tả được nỗi đau của gia đình nạn nhân.

Màn diễn xuất tốt nhất phim thuộc về Hải Triều trong vai người đồng tính - dạng nhân vật quen thuộc của anh. Lúc đầu, chàng trai tạo ra nhiều tiếng cười với lối trò chuyện chua ngoa, nhưng càng về sau, anh càng bộc lộ nội tâm u uất của người bị xâm hại từ bé.

Vai diễn gợi nhớ nhân vật Lệ Sa Sa gây chú ý của Hải Triều trong Lô tô - tác phẩm về người chuyển giới ra mắt hồi tháng 3. Tuy nhiên, do kịch bản lỏng lẻo, tình tiết nhân vật của Hải Triều bị vu oan trong phim có phần gượng gạo.

S.O.S Sói trắng ra mắt từ ngày 16/6. Phim được dán nhãn C16 (cấm phổ biến đến khán giả dưới 16 tuổi)

Nguồn: Gia đình Việt Nam