Dòng sự kiện:

Tại sao tật nói lắp thường xảy ra ở trẻ 2-3 tuổi?

16:28 27/08/2015
Nếu mẹ không chú ý đến việc phát âm những câu bập bẹ liên tục, sẽ dẫn đến tật nói lắp ở trẻ.
Bé Huy có tật nói lắp. Dù rất thông minh, làm toán giỏi nhưng em luôn bị điểm kém môn tập đọc. Bố mẹ Huy phiền lòng và thường mắng con "bài dễ thế mà con cũng không đọc trôi chảy được" và cố gắng tìm mọi cách chỉnh sửa cho con.

Mỗi lần thấy con nói lắp từ nào là phụ huynh bắt bé nói đi nói lại từ đấy. Huy ngày càng căng thẳng và phải lấy hơi mỗi khi nói. Từ chỗ chỉ nói lắp từ, giờ em nói những câu mất từ. Tuy nhiên, khi hát hay nói những câu dễ, cháu có thể nói liền mạch, không hề lắp. 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương, khoa Thính - thanh học, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho biết, tật nói lắp hay xảy ra ở trẻ tập học nói, 2,5-3 tuổi. Khoảng 80% trẻ nói lắp tự khỏi trong 2 năm, 20% còn lại sẽ khỏi khi đi học và khoảng 5% trẻ tiếp tục nói lắp đến khi thành người lớn. 


Tại sao tật nói lắp lại thường hay xảy ra ở những đứa trẻ hai đến ba tuổi? Có thể cắt nghĩa theo hai cách.

Đó là lứa tuổi trẻ cố gắng nhiều nhất để tập nói. Khi còn nhỏ, trẻ nói đơn giản, không nghĩ ngợi nhiều về điều mình nói. Quá hai tuổi, trẻ muốn nói những câu dài hơn để diễn đạt những ý mới nên bắt đầu nói đi nói lại hai hay ba lần cùng một câu.

Nếu mẹ không chú ý đến việc phát âm những câu bập bẹ liên tục, sẽ dẫn đến tật nói lắp ở trẻ. Hai là có thể do sự bướng bỉnh vốn có trong thời kỳ căng thẳng mà trẻ đang trải qua ảnh hưởng đến cách ăn nói của trẻ.

Nếu tình trạng kéo dài, bạn có thể áp dụng giải pháp do Nemours Foundation đề xuất:

- Đừng bắt con lúc nào cũng phải nói thật chính xác. Bạn chỉ cần khuyến khích trẻ nói chuyện và tạo ra sự vui thích cho chúng trong khi nói.

- Gợi mở nhiều cuộc trao đổi trong gia đình khi ăn cơm, không bật vô tuyến hay đài để tránh phân tán sự tập trung của trẻ.

- Đừng làm trẻ lo lắng khi liên tục đưa ra những lời hướng dẫn, chỉ bảo, cách này chỉ khiến trẻ thêm thiếu tự tin. Đừng yêu cầu trẻ nói chậm lại, nói lại hay cần thư giãn trong khi nói.

- Nếu trẻ không vui hay có tâm trạng lo lắng, căng thẳng, đừng bắt trẻ phải nói chuyện.

- Duy trì môi trường gia đình thư thái và bình lặng, luôn nhớ hãy nói với con một cách nhẹ nhàng, từ tốn và rõ ràng.

- Trong khi con trẻ nói chuyện với bạn, hãy giao tiếp bằng mắt với con, đừng tỏ ra buồn bã hay cáu bẳn khi con bạn bắt đầu nói lắp.

- Hãy để con tự ngưng khi nói xong, đừng chen ngang hay sửa chữa lời con nói.

Tường Vy (Tổng hợp)

Nguồn: Người đưa tin