Dòng sự kiện:

Tháng 10 mới có đủ vaccine '5 trong 1', trẻ bị chậm tiêm ảnh hưởng thế nào?

Theo An Ninh Thủ Đô
07:45 15/09/2018
Tình trạng thiếu, khan hiếm vaccine “5 trong 1” hiện nay dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài tới đầu tháng 10. Vậy những trẻ bị chậm tiêm chủng do hết vaccine có bị ảnh hưởng tới phòng bệnh, sức khỏe hay không?

Như đã đưa tin, hiện nay, tại nhiều điểm tiêm chủng mở rộng đã thông báo hết hoặc thiếu vaccine “5 trong 1” (phòng 5 bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Viêm gan B - Viêm màng não mủ do Hib). Điều này khiến các phụ huynh có trẻ đến tuổi tiêm chủng rất lo lắng bởi lịch tiêm chủng của trẻ bị xáo trộn.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, ngày 10-9, kết quả kiểm định lô vaccine “5 trong 1” ComBE Five do Ấn Độ sản xuất (loại vaccine được Việt Nam lựa chọn để thay thế vaccine Quinvaxem của Hàn Quốc) đã đạt yêu cầu và Bộ đang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm vaccine này theo quy định.

Trẻ tiêm vaccine chậm một vài tuần vẫn đáp ứng được miễn dịch phòng bệnh.

Tuy nhiên, dự kiến phải tới đầu tháng 10-2018, vaccine ComBE Five mới có thể về tới các trạm y tế đầy đủ. Điều đó cũng có nghĩa từ giờ tới tháng 10, tình trạng thiếu vaccine 5 trong 1 để tiêm chủng mở rộng vẫn chưa được khắc phục.

Vậy những trẻ bị chậm lịch tiêm chủng do thiếu vaccine 5 trong 1 có bị ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch phòng bệnh hay không? Chia sẻ với những lo lắng của các phụ huynh về vấn đề này, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, với những địa phương mà hiện vẫn còn vaccine Quinvaxem thì vẫn sẽ tiếp tục sử dụng để tiêm cho trẻ.

Đối với những địa phương đã hết hoặc thiếu vaccine 5 trong 1, các trẻ tới thời điểm tiêm chủng mà chưa được tiêm do chưa có đủ vaccine, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã gửi kế hoạch cho các địa phương yêu cầu chủ động lên danh sách để khi có vaccine mới sẽ tiêm sớm nhất cho các cháu, trong thời gian có thể.

GS Đặng Đức Anh cho biết, đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch là tốt nhất. Tuy nhiên, trong thời gian này, có thể do cung ứng vaccine chưa kịp thời, khiến trẻ có thể bị chậm tiêm chủng một vài tuần hoặc 1 tháng.

“Về mặt khoa học, nếu trẻ bị trễ lịch tiêm chủng trong vòng 1 tháng thì vẫn có đáp ứng miễn dịch cho trẻ, đảm bảo có thể phòng bệnh theo như đúng tác dụng của vaccine” – GS. Đặng Đức Anh nói.

Nguồn: Gia đình Việt Nam