Dòng sự kiện:

Thầy Lê Đăng Khương: Ôn môn Hóa 20 dạng đề là đủ

Theo PNVN
07:41 07/05/2017
Học sinh Hà Nội hầu như đều biết đến thầy giáo Lê Đăng Khương (GV khoa Hóa học, ĐH Sư phạm Hà Nội) với cách giảng bài hấp dẫn, dễ hiểu. Thầy Khương chia sẻ vài kinh nghiệm ôn thi tốt môn Hóa thi THPT Quốc gia trong giai đoạn nước rút này.

Chỉ tập trung từ 10 đến 20 dạng đề thi

Theo kinh nghiệm và quan sát của thầy Lê Đăng Khương (Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội), giới hạn kiến thức thi THPT quốc gia không thay đổi trong 2 năm gần đây, mỗi đề thi chỉ khác nhau ở cách tiếp cận đề thi, các dạng bài khác nhau… chứ không thay đổi về mặt kiến thức.

Thầy Lê Đăng Khương là gương mặt quen thuộc được nhiều học sinh mê Hóa tại Hà Nội yêu quý.

“Vì vậy, học sinh không cần thiết phải làm quá nhiều (lên đến hàng trăm đề) mà tập trung giải quyết khoảng 10 - 20 đề và lưu ý xem đi xem lại những đề thi này, rút ra những dạng bài thường gặp, tìm ra cách giải nhanh nhất, những lỗi sai thường gặp và lưu ý những lỗi sai này” - thầy khuyên.

Theo thầy Khương, trong một đề chỉ có 20% là kiến thức lạ - mới, còn lại 80% là sự lặp lại của kiến thức cơ bản.

Chính vì vậy, thay vì hì hục giải hàng trăm đề thi môn Hóa và bận tâm với từng dạng đề, học sinh chỉ cần luyện đề với số lượng vừa đủ nhưng trong quá trình làm cần bao quát các dạng bài.

Sau mỗi đề thi, các em đúc rút kinh nghiệm, bổ sung các phần còn chưa vững.

Minh chứng cho điều này, thầy Lê Đăng Khương đưa ra những nhóm câu hỏi trích ra từ đề thi đại học, THPT quốc gia những năm qua cùng hỏi về một vấn đề chỉ khác nhau ở cách tiếp cận, học sinh có thể rèn luyện để thử sức. Từ đó, rút ra được phương pháp luyện đề hiệu quả:

 

Mỗi đề thi phải làm nhiều lần

Làm ít đề không đồng nghĩa với việc chỉ làm đề thi đó một lần rồi bỏ qua. Theo thầy Khương, học sinh nên làm nhiều lần cho mỗi đề thi, đặc biệt là các đề thi hay, chất lượng hoặc các đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành.

“Việc làm đi làm lại 1 đề thi có thể khiến bạn chán nản vì đã làm quen với đề thi đó nhưng điều này lại giúp các bạn nắm chắc và quen thuộc với dạng bài này, tránh bị quên kiến thức, thêm tự tin với bản thân khi làm đề” - thầy lý giải.

Về cách làm đề hiệu quả, thầy chia sẻ một số kinh nghiệm mấu chốt dưới đây:

- Đầu tiên, học sinh làm đề lần thứ nhất trong 90 phút, kiểm tra đáp án và xem lại các câu sai, làm lại cho đến khi thật hiểu các câu đã làm sai. Làm lại đề thi cho tới khi đạt trung bình 25 phút/đề. Học sinh cần đọc to phương trình phản ứng, bấm nhanh và viết nhanh để tạo phản xạ, lặp lại để kiến thức lưu lại trong trí nhớ. Sau khi xong đề này mới sang đề tiếp theo.

- Sau đó, học sinh lặp lại với 10 đề có chất lượng (có thể lấy đề của Bộ GD-ĐT các năm trước hoặc tham khảo đề thi của một vài trường THPT chuyên) và có lời giải chi tiết.

- Sau khi hoàn thành xong 10 đề đó, học sinh lấy thêm 10 đề thi thử năm gần nhất có chất lượng cao và có giải chi tiết và tiếp tục lặp. Nhớ là ghi lại các bẫy của đề thi đó.

“Khi đi thi bạn tập trung và làm cẩn thận. Vì bạn đã lặp quen với các đề trước đó nên các dạng toán sẽ trở nên quen thuộc. Khi đó bạn đạt điểm cao là đương nhiên” - thầy Khương nhấn mạnh.

Cũng theo nam giảng viên, bên cạnh việc tham khảo các lời khuyên trên từ thầy, học sinh cũng cần chủ động tìm ra phương pháp học tốt nhất cho bản thân, xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp theo từng môn cho thời gian còn lại và quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra.

Nguồn: Gia đình Việt Nam