Dòng sự kiện:

Thông điệp xót xa trong bức thư tuyệt mệnh của cậu bé 14 tuổi

15:43 04/11/2019
Cậu bé Jiale đã tự tử và để lại bức thư tuyệt mệnh khiến ai cũng giật mình xót xa.

Cậu bé 14 tuổi tự tử để lại bức thông điệp xót xa mà thấm thía

Wang Jiale 14 tuổi đến từ Tứ Xuyên, Trung Quốc đã nhảy lầu tự tử vào ngày 24 tháng 10 khi cậu bé đi học về. Tất cả dường như là một ngày bình thường khi cậu bé ăn tối và đi vào phòng cho đến khi mẹ cậu nghe thấy tiếng cậu hét lên: “Mẹ ơi, con yêu mẹ” rồi nhảy ra khỏi cửa sổ.

Khi mẹ cậu chạy lên phòng kiểm tra xem chuyện gì xảy ra thì đã quá muộn. Jiale đã để lại hai lá thư tuyệt mệnh, một cho mẹ, một cho người bạn thân nhất ở trường.

Thẻ học sinh của Wang Jiale.

Trong bức thư tuyệt mệnh gửi cho mẹ, Jiale xin lỗi vì đã tự tử và hy vọng gia đình sẽ tôn trọng quyết định cuối cùng của cậu. Bức thư thứ hai gửi cho bạn thân, Jiale yêu cầu bạn mình truyền đạt lại thông điệp: “Lạm dụng bằng lời nói gây ra rất nhiều tổn thương. Cho dù đó là cố ý hay không, tôi ước rằng mọi người có thể tử tế hơn. Cầu xin mọi người hãy lương thiện với những người xung quanh mình”. Jiale cũng cho cô bạn mật khẩu đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội của mình để đăng chính thông điệp đó cũng như thông báo cho bạn bè tin cậu bé đã rời khỏi thế giới này.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi gia đình của JiaLe muốn điều tra điều gì thực sự xảy ra với con trai khi ở trường. Bạn bè của cậu bé nói rằng đã nhìn thấy Jiale chạy lên chạy xuống cầu thang tòa nhà, một số bạn đã nhìn thấy cậu bé khóc, tâm trạng rất tồi tệ vì bị cô giáo trách mắng.  

Gia đình Jiale muốn liên hệ với nhà trường để xem camera giám sát ngày hôm đó nhưng nhà trường liên tục từ chối, lấy lý do tránh mặt. Trong cuộc họp hai bên vào ngày 28 tháng 10, giáo viên phụ trách của Jiale giải thích rằng cô không khiển trách cậu bé mà chỉ góp ý nhẹ nhàng, không ai biết rõ Jiale ở trường đã trải qua những áp lực gì.

Cho dù đó có phải là một vụ bắt nạt hay không, việc Jiale chọn cái chết đã cho thấy cậu bé bị tổn thương sâu sắc bởi sự lạm dụng bằng lời nói.

Khi chúng ta nói về bạo hành trẻ em, chúng ta thường tưởng tượng ra những trận đòn, tấn công, xô đẩy khiến trẻ đau đớn về thể xác. Tuy nhiên, có một dạng bạo lực không gây hề hấn gì cho trẻ nhưng lại mang tính sát thương cao tới tinh thần của trẻ, đó là bạo hành bằng lời nói. Mặc dù nền văn minh nhân loại ngày càng có sự tiến bộ vượt bậc nhưng việc bạo hành trẻ em bằng ngôn ngữ vẫn hiện diện trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày.

Nguồn: Gia đình Việt Nam